Ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên tới 13%/năm
Từ đầu tháng 9 tới nay, các ngân hàng lại đồng loạt tung ra các “chiêu mới” để thu hút khách hàng gửi tiền, nhưng đáng chú ý nhất là hình thức nâng lãi suất.
Tại Ngân hàng Á Châu (ACB), sau đợt khủng hoảng kéo dài từ ngày 21 – 23/8, ngân hàng này đã đưa ra một loạt các chương trình thu hút khách hàng trở lại như tặng quà khách hàng đã rút tiền và gửi lại; duy trì lãi suất cho khách đã rút tiền trong đợt khủng hoảng và gửi trở lại; khách hàng mới được hưởng lãi suất cao khi gửi tiền dài hạn; nâng lãi suất huy động vàng lên gần gấp đôi…
Đến nay, ACB lại đưa ra một chính sách trội hơn hẳn so với thị trường đó là áp dụng lãi suất huy động lên tới 13% ở kỳ hạn dài. Cụ thể, theo thông báo mới nhất, từ ngày 12/9, ACB huy động 12,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng (lĩnh lãi hàng tháng hưởng lãi suất 11,8%, hàng quý là 12,3%), 13%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Kỳ hạn 24 tháng cũng được nhà băng này đẩy lên mức 11,5% và 36 tháng là 12%/năm.
Đề cập đến vấn đề ngân hàng liên tục tung ra các chiêu để hút khách mạnh tay như vậy có sợ người gửi tiền và các ngân hàng bạn e ngại thanh khoản tại ACB gặp vấn đề hay không, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó TGĐ cho biết, gặp khó về thanh khoản là điều chắc chắn và ngân hàng đang giải quyết.
Theo ông Toại, sau “sự cố” liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên và ông Lý Xuân Hải, người dân rút tiền khá mạnh, nên từ đó tới nay, nhà băng phải tăng cường các biện pháp nhằm thu hút tiền về, trong đó phương án chọn lãi suất cao cho kỳ hạn dài được ưu tiên.
Ngoài ra, hiện ACB đang giữ một số lượng lớn vàng gửi của người dân, lên tới 20% tổng vốn huy động. Khi giá lên cao, người gửi vàng đến ngân hàng rút vàng ra bán, mỗi ngày tới vài ngàn lượng. ACB đã phải huy động tiền đồng để mua lại số vàng mà người dân rút ra, thậm chí sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường. Đó cũng là lý do đẩy tăng lãi suất huy động để giữ và hút khách.
Ông Toại cho biết thêm, vấn đề người dân rút vàng là bình thường, không chỉ ở ACB mà còn các ngân hàng khác. Nhưng điều quan trọng là ACB có đủ khả năng để mua hết số vàng mà người gửi muốn rút ra.
Một “ông lớn” khác trong ngành ngân hàng cũng có động thái tương tự ACB khi tăng mạnh lãi suất tiền gửi là Eximbank. Theo đó, từ ngày 12/9, nhà băng này đưa lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng lên tới 12,8%/năm và 12 tháng là 12,3%/năm, các kỳ hạn từ 15 – 36 tháng được hưởng lãi suất 12%/năm. Trước đó, mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này là 12%/năm, với các kỳ hạn xa chỉ là 11%.
Ở các ngân hàng khác, lãi suất huy động kỳ hạn dài được neo ở mức 11 – 12%/năm, song hầu hết có kèm các chương trình khuyến mại như tặng quà, phiếu cào trúng thưởng, bốc thăm may mắn…, chẳng hạn như Sacombank, PGBank, SHB, MHB, Seabank…
Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính ngân hàng, động thái tăng lãi suất hoặc đưa ra các chương trình khuyến mại của các nhà băng là tất yếu do nhu cầu huy động vốn những tháng cuối năm khá mạnh. Nhu cầu vốn đặc biệt cao tại các ngân hàng huy động vàng, kể cả giữ hộ vàng trong bối cảnh giá tài sản này tăng cao hiện nay.
Ngoài ra, vấn đề vốn phục vụ cho vay trong giai đoạn này cũng cấp bách, khi mà các ngân hàng đang đẩy nhanh giải ngân để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Hoạt động trên thị trường liên ngân hàng bị siết chặt kể từ 1/9 (TCTD không được gửi tiền, nhận tiền gửi (trừ tiền thanh toán) tại TCTD khác và muốn được giao dịch liên ngân hàng phải không có các khoản nợ quá hạn đối với các giao dịch từ 10 ngày trở lên tại thời điểm thực hiện giao dịch (đối với bên đi vay)), nên nhu cầu vốn ngắn hạn cũng tăng lên.