Ngân hàng nào đang huy động lãi suất cao nhất?

Những ngày gần đây, một số ngân hàng đã đón đầu xu hướng giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bằng cách chủ động hạ lãi suất huy động ở các kỳ hạn cả dài và ngắn.

 Lãi suất kỳ hạn ngắn thấp nhất 6%/năm

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đứng đầu danh sách các ngân hàng huy động lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn ngắn. Theo biểu lãi suất được công bố, nhà băng này chỉ huy động kỳ hạn 1 tháng với lãi suất 6%, kỳ hạn 2 tháng là 7,5% và các kỳ hạn trên 3 tháng đến dưới 12 tháng là 8%.

Ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 tháng hiện còn 7,5%/năm.

Các ngân hàng khác hầu hết vẫn áp dụng mức lãi suất huy động 8%/năm nhưng chỉ với hình thức lãnh lãi cuối kỳ. Lãi suất áp dụng cho người gửi tiền lĩnh lãi hàng tháng ở các kỳ hạn từ 1 - 11 tháng đều dưới 8%/năm. Điển hình như ở Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) còn 7,45 – 7,85%/năm, tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là 7,74 - 7,94%/năm.

Kỳ hạn dài còn dưới 11,5%/năm

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ngân hàng tuần đến ngày 15/3 (tức cách đây hơn 1 tuần), lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng của các ngân hàng phổ biến là 10 – 11%/năm, có một số ngân hàng nhỏ vẫn duy trì mức huy động 12%/năm với kỳ hạn dài.

Tuy nhiên sang tuần vừa rồi, các mức lãi suất nêu trên đã trở nên “lạc hậu”. Lãi suất kỳ hạn dài đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm khá mạnh tay, đặc biệt là ở các ngân hàng nhỏ.

Tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng được ngân hàng đưa xuống 11,5%/năm, thay vì 12% trước đó. Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh chỉ huy động lãi suất cao nhất là 11%/năm ở kỳ hạn dài trong khi biểu lãi suất cao nhất tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) còn 10,6%/năm.

Lãi suất huy động kỳ hạn dài của nhóm các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, Techcombank, Eximbank, Sacombank dao động từ 10 – 10,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn dài thấp nhất là ở Vietcombank với 9,5%/năm.

Ngân hàng nào đang huy động lãi suất cao nhất? (1)

 Khó cho vay nên hạ lãi suất huy động

Theo đại diện của ngân hàng Vietcombank, việc giảm lãi suất huy động là tùy thuộc vào cung cầu vốn của ngân hàng. Hiện tại việc cho vay ra khó khăn nên các ngân hàng phải giảm giá vốn, giảm lãi suất huy động. Đại diện của Ngân hàng ACB cũng cho biết, trong bối cảnh vốn vay ế trong khi lạm phát hạ nhiệt nên ngân hàng phải chủ động giảm lãi suất.

Ngoài ra, động thái hạ lãi suất của các ngân hàng gần đây là đón đầu xu hướng giảm lãi suất của NHNN khi lạm phát có tín hiệu tốt (quý 1 chỉ tăng 6,81% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi riêng tháng 3 giảm 0,19% so với tháng 2).

Trả lời phỏng vấn của báo giới hồi đầu năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ điều chỉnh lãi suất phù hợp với lạm phát. Biến động lãi suất huy động năm nay sẽ theo một đường dích dắc và ở biên độ nhỏ, có thể từ 8% xuống 7,5% rồi lên 7,5%, xuống 7,25%..., nói chung dao động từ 7 – 8%/năm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn sẽ khó mà giảm sâu xuống dưới 7%/năm khi mà mục tiêu lạm phát năm nay của Chính phủ là 7%. Cơ quan quản lý sẽ phải điều hành chính sách ở mức lý để đảm bảo lãi suất thực dương. Tuy nhiên mức lãi suất kỳ hạn dài có thể được điều chỉnh xuống thấp hơn nữa trong bối cảnh áp lực hạ lãi suất cho vay ngày càng lớn để kích thích tín dụng.