Ngân hàng thời... giật gấu vá vai

Nắm giữ tổng tài sản từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng, áp lực bảo toàn và sinh sôi lợi nhuận trên vai lãnh đạo các ngân hàng đang vô cùng căng thẳng trong bối cảnh tiền tệ thắt chặt, doanh nghiệp không dám vay và hẹp khả năng trả nợ.

Mặt bằng lãi suất huy động dâng lên “chóng mặt”, có nơi tới gần 20%/năm nhưng tiền đồng vẫn quay lưng với ngân hàng; chật vật tìm kiếm đầu vào rồi, đầu ra lại bị khống chế bởi “room” tăng trưởng tín dụng; thanh khoản yếu; nợ xấu tăng…, những thách thức này không loại trừ ngân hàng theo loại hình, quy mô hay thương hiệu nào.

Vừa lo làm vừa lo “lách”

“Chưa bao giờ ngân hàng phải chịu nhiều áp lực như lúc này. Áp lực từ cơ quan quản lý nhà nước về trách nhiệm chống lạm phát về bảo đảm an toàn hệ thống; áp lực từ doanh nghiệp về cung ứng vốn, giá vốn; áp lực từ cổ đông về khả năng sinh lời đồng vốn góp…”, thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng lớn (không muốn nêu tên) chia sẻ. Ông cho biết, trong tình hình hiện nay, ngân hàng lo kinh doanh không chưa đủ, mà còn phải tìm cách lựa đủ điều.

Nếu tuân thủ đúng các mệnh lệnh hành chính thì sẽ bị loại khỏi thị trường. Đơn cử vừa qua, do thực hiện đúng quy định trần lãi suất huy động 14%/năm, ngân hàng của ông đã bị “rút ruột” hàng chục ngàn tỉ đồng sang nơi có lãi suất cao hơn.

Nếu lao vào đua lãi suất, ngoài áp lực tăng chi phí đầu vào, tăng rủi ro, người đứng đầu ngân hàng lại ngay ngáy trách nhiệm trước cơ quan quản lý. Trong khi đó, kết quả rốt cuộc tổng lượng vốn huy động toàn hệ thống cũng không tăng đáng kể, mà là ngân hàng này tăng lên thì ngân hàng khác lại hụt đi.

Ngân hàng lớn đã vậy, các ngân hàng nhỏ còn chật vật hơn nhiều. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội cho hay, ban lãnh đạo ngân hàng phải chia nhau trực tiếp chăm sóc những khách hàng ruột, có lượng tiền gửi lớn, để họ “vui vẻ ở lại”.

Chia sẻ khó khăn này của các ngân hàng, tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương nói: “Trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều mong mỏi từng ngày lãi suất vay vốn giảm xuống, thì tôi biết một số doanh nghiệp lớn còn nguồn vốn nhàn rỗi gửi ngân hàng lại tìm mọi cách mặc cả để hưởng lãi suất cao. Khi đó, họ chẳng cần đầu tư sản xuất, kinh doanh làm gì cho mệt, gửi ngân hàng hưởng lời 18 – 20%/năm vừa an toàn, vừa nhàn hạ”.

Chủ yếu là đảo nợ?

“Bốn tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán mới tăng chưa đầy 1% – một mức quá thấp, tăng trưởng tín dụng 5,01%, cho thấy hệ thống ngân hàng không có tiền cho vay”, tổng giám đốc ngân hàng Eximbank Trương Văn Phước lo lắng. Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại nhận định, doanh thu từ hoạt động tín dụng của ACB giảm mạnh trong năm nay, phần vì giới hạn tăng trưởng tín dụng của ngân hàng Nhà nước, phần khác vì mặt bằng lãi suất quá cao, doanh nghiệp không dám vay. Do vậy, ACB phải tìm mọi cách đẩy mạnh mảng dịch vụ.

Cũng theo ông Toại, sự điều chỉnh này cũng không quá khó với ACB bởi lâu nay, trong bảng cân đối tài sản của ngân hàng này mảng tín dụng đã giảm dần và hiện chỉ chiếm trên dưới 50% cơ cấu doanh thu, lợi nhuận chung của ngân hàng.

Mức tăng trưởng tín dụng 5% từ đầu năm tới nay, ông Toại cho rằng phần lớn là từ gia hạn các hợp đồng vay vốn cũ mà không phải vay mới và diễn biến này sẽ là chủ yếu tới cuối năm. Ông Toại phân tích: “Với tốc độ tăng trưởng tín dụng gần 28% của năm 2010, chỉ số hợp đồng cũ được gia hạn cũng đã đủ để đạt hạn mức 20% tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 theo chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước rồi. Mặt khác, với lãi suất cao như hiện nay, ít doanh nghiệp nào dám ký hợp đồng vay vốn mới”. Dù xác định phải vượt qua một năm đầy thử thách nhưng ông Toại cho biết, ACB vẫn không điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận đã được đại hội cổ đông thông qua.

Tiến sĩ Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô, giảng viên trường đại học Kinh tế Quốc dân, lo ngại, rủi ro trong hoạt động tín dụng nói riêng và rủi ro trong hệ thống ngân hàng nói chung sẽ tăng lên nhiều. Theo ông Thế Anh, khi mặt bằng lãi suất vay vốn bị đẩy lên quá cao, khách vay vốn chủ yếu phục vụ cho những dự án mạo hiểm, hứa hẹn lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Điều mà ông Thế Anh lo ngại là hiện tượng đảo nợ ở khu vực phi sản xuất, như kinh doanh chứng khoán, bất động sản.