Ngập ngừng đầu tư vào công nghiệp phụ trợ

 Nói là quay lại bởi hơn một tháng trước, trong Chương trình đối thoại chính sách lần thứ hai giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) vào ngày 8/12/2014, Tập đoàn Sojitz đã bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp. Địa điểm được tập đoàn này nhắm tới là các địa phương gần cảng biển khu vực phía Bắc, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa.

Nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ vào những chính sách ưu đãi khi đầu tư vào công nghiệp phụ trợ
Nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ vào những chính sách ưu đãi khi đầu tư vào công nghiệp phụ trợ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lần làm việc này nhằm làm rõ một số vấn đề để nhanh chóng triển khai các kế hoạch đã định.

“Hiện tại, số doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của Nhật Bản quan tâm tới việc đầu tư ra nước ngoài tăng nhanh. Chúng tôi muốn mở rộng đầu tư khu công nghiệp để phục vụ các đối tượng này. Ngoài ra, các DN Nhật Bản cũng muốn được biết cụ thể những ưu đãi mà họ sẽ nhận được nếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ”, ông Hironori Funahashi trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông.

Ông Hironori Funahashi cho biết, phần lớn DN Nhật Bản tìm đến Việt Nam là các DN sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất, vì vậy, họ đều coi mình là DN hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ.

“Các DN này có được hưởng các ưu đãi đầu tư dành cho các DN phụ trợ hay không? Nếu chúng tôi đầu tư khu công nghiệp dành cho các DN phụ trợ thì có được hưởng các ưu đãi không?”, ông Hironori Funahashi đặt câu hỏi.

Đây không phải là lần đầu tiên, các DN đặt lên bàn thảo luận về vấn đề này khi làm việc với các bộ, ngành.

Ông Vũ Quốc Huy, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, những chính sách ưu đãi dành cho DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đang có những thay đổi và hiện còn đợi những hướng dẫn cụ thể, nhất là khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Theo quy định này, thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí như sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giày; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 1/1/2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được, nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu (EU) hoặc tương đương sẽ được hưởng ưu đãi về thuế suất. Tuy nhiên, chi tiết ưu đãi này đang phải đợi hướng dẫn của Chính phủ.

Trong khi đó, chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp hỗ trợ tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển sau một thời gian thực thi vẫn chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.