Người tiêu dùng đang thiệt đơn thiệt kép
Ai bảo vệ Người tiêu dùng ?
Hàng loạt tranh chấp trong nhiều lĩnh vực giữa nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ với người tiêu dùng xảy ra trong thời gian gần đây khiến người tiêu dùng muốn “phát điên” trước cách hành xử của một số nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ.
Nhiều trường hợp không được giải quyết với lý do khi tiền đã trao và hàng đã nhận. Chỉ khi báo chí vào cuộc phản ánh những hiện tượng trên thì mọi việc mới êm chèo mát mái và được giải quyết nhanh gọn.
Những câu chuyện cười ra nước mắt kiểu người tiêu dùng phải chi tới 12 triệu đồng để mua máy giặt của một thương hiệu uy tín để rồi khổ chủ phải stress tới 6 tháng liền vì cung cách bảo hành của nhà sản xuất hay việc khách hàng của Jetstar dù có khóc ròng để xin được lên máy bay sớm vì có con phải vào bệnh viện nhưng vẫn không được giải quyết mới đây... không phải hiếm gặp và gây nhiều bức xúc trong dư luận trong thời gian qua.
Ngay trong lĩnh vực viễn thông, dù nhiều nhà mạng luôn tuyên bố khách hàng là Thượng đế và được chăm sóc chu đáo khi hòa mạng của họ. Tuy nhiên thực tế không hẳn như vậy.
Người tiêu dùng được quyền trả lại hàng lỗi
“Người tiêu dùng luôn ở thế yếu. Họ thiếu thông tin, không quyết định được giá cả và chịu mọi sự rủi ro mà không được đàm phán trong giao kết hợp đồng.” - Ông Hồ Tất Thắng Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói.
Phát biểu tại hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng” nhằm thay thế Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 do VCCI kết hợp với Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương tổ chức sáng nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cũng cho rằng thời gian gần đây các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng gia tăng.
Vì vậy việc hình thành luật bảo vệ người tiêu dùng là một việc làm cấp bách, không những giúp bảo vệ người tiêu dùng mà còn bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp tới tay người tiêu dùng.
Ông Đặng Hoàng Hải, Phó Cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh cũng cho rằng với các vụ tranh chấp trong thời gian qua xảy ra nhiều do chế tài xử lý lại chưa đủ sức răn đe, cơ chế xử lý khiếu nại của người tiêu dùng còn nhiều bất cập, chưa huy động được sức mạnh của cả xã hội để bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng hiện doanh nghiệp đang ngày càng có xu hướng bảo vệ thương hiệu của mình hơn và việc giải quyết nhanh chóng các khiếu nại của người tiêu dùng một cách thỏa đáng cũng là cách lựa chọn của nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Ông lấy ví dụ trên thế giới, trong ngành công nghiệp xe hơi như trường hợp mới đây của hãng Toyota chẳng hạn. Khi phát hiện một lỗi sản phẩm thì hãng này đã thu hồi hàng chục nghìn chiếc xe bị lỗi trên toàn cầu và đổi, sửa chữa thiết bị miễn phí cho chủ xe. Trong ngành thép ở Việt Nam hiện nay cũng vậy khi phát hiện lỗi sản phẩm, nhà sản xuất phải bồi thường, thay thế sản phẩm.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cho rằng luật nên có quy phạm điều chỉnh hành vi hạn chế người tiêu dùng về chọn sản phẩm và nhà cung cấp. Hiện nay có hiện tượng nhà cung cấp sản phẩm thường lấy được sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền buộc những người dưới quyền phải mua sản phẩm của họ mặc dù chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ của họ hoặc giá cả chưa hẳn tốt hơn nhà cung cấp khác.
“Với những trường hợp này cách xử lý là không nên quy việc vi phạm này cho nhà cung cấp mà quy trách nhiệm ngay cho người ra chỉ đạo hạn chế áp buộc người tiêu dùng. Ngoài ra trong luật bảo vệ người tiêu dùng cũng nên quy định về quyền được trả lại sản phẩm, dịch vụ chưa đưa vào sử dụng khi người tiêu dùng phát hiện ra khuyết tật của chúng”- Ông Lộc đề xuất.
Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm có 9 chương, 71 điều, bao gồm: Chương I: Những quy định chung (5 điều); Chương II: Bảo vệ người tiêu dùng trước khi giao dịch với thương nhân (4 điều); Chương III: Bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch với thương nhân (5 điều); Chương IV: Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình sử dụng hàng hóa dịch vụ; Chương V : Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân; Chương VI: Quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng; Chương VII: Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng; Chương VIII: Xử lý vi phạm luật bao vệ ngươi tiêu dùng; Chương 9: Điều khoản thi hành (2 điều). |