Người tiêu dùng đang tự móc túi mình!

Người tiêu dùng đang tự móc túi mình!

Bắt đầu từ câu chuyện giá sữa...

Lâu nay, rất nhiều cơ quan chức năng đã bắt tay vào cuộc với mục đích đi tìm nguyên nhân, giải pháp để làm “hạ” cơn sốt giá sữa nhưng dường như vẫn chưa có tác dụng. Mặc dù thuế nhập khẩu sữa đã liên tục được điều chỉnh giảm nhưng giá sữa vẫn liên tiếp bị đẩy lên cao.

Giá nguyên liệu tăng, thuế, chi phí quảng cáo, vận chuyển, chênh lệch giữa các phân phối…được cho là những nguyên nhân đưa giá lên. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân tối quan trọng đó là yếu tố tâm lý “sính ngoại”. Chính suy nghĩ loại sữa đắt là loại sữa tốt, nhiều chất dinh dưỡng vì vậy dù biết là đắt nhưng tốt cho sức khỏe của các con nên các bà mẹ đổ xô đi mua.

Lượng cầu tăng mạnh khiến cho các hãng sữa thoả sức tăng chẳng cần có lý do. Cứ vài tháng các hãng lại tự động điều chỉnh giá. Như vậy, vô tình người tiêu dùng góp phần đẩy giá sữa lên cao “ngất trời”, rồi "tự mình móc túi mình" mà vẫn than “sữa lại tăng giá”. Chạy đôn đáo khắp cửa hàng bán sữa “hàng xách tay” trên phố Nguyễn Như Đổ, Kim Mã, Thái Hà… chị Hoa Lê (ngõ 67 Đội Cấn, Hà Nội) vẫn không thể tìm được mua được sữa S26 (Úc) để cho cậu con trai 6 tháng tuổi. “Hỏi khắp các cửa hàng họ đều bảo, các loại sữa Úc đang rất khan hàng vì đô Úc lên cao nên tiếp viên họ không dám xách về” chị nói.


Nếu hợp sữa bé hấp thụ tốt và lên cân đều không cứ sữa đắt mới là sữa tốt.

Thông thường, trên thị trường lúc chưa khan hàng 1 hộp sữa S26 có giá trung bình khoảng 295.000- 320.000 đồng/ hộp 900 gam nhưng hiện nay giá lên đến 425.000 đồng/hộp. Tính trung bình mỗi tháng bé uống khoảng 4 hộp như vậy riêng tiền sữa đã là khoảng 2 triệu đồng. “Tốn kém thật đấy, nhưng loại sữa này đã có truyền thống nên tôi rất tin tưởng. Hơn nữa, bé đã quen uống rồi ngại đổi sang loại khác” chị Hoa chia sẻ.

Không riêng gì S26, một số loại sữa khác cũng có mức giá “ngất ngưởng” như Wakado (Nhật) giá 320.000-360.000/hộp 900 gam, Nan (Nga, Pháp) giá 220.000-248.000 đồng/ hộp 400 gam, Abbott nhập khẩu các loại giá 280.000- 420.000 đồng/hộp, Sữa Grow hàng xách tay giá 520.000 đồng/ hộp 1,8 kg. Các loại sữa liên doanh với các hãng khác Abbott như Similac số 1: 189.000 đồng/hộp 400 gam (mỗi số chênh nhau vài nghìn), Enfa Pro A+ 286.000 đồng/hộp 900 gam, Dumex giá 220.000 đồng/hộp…Trong khi đó, các loại sữa được sản xuất trong nước giá rẻ hơn rất nhiều như sữa Nutifood hay Vinamilk giá 120.000-130.000 đồng/hộp loại 900 gam.

Theo tính toán đã được công bố, hiện nay giá sữa nguyên liệu đạt chuẩn nhập từ các nhà cung cấp bán cho các tập đoàn toàn cầu vào khoảng 55.000đ/kg. Nếu bổ sung DHA khoảng 80USD/kg, calcium khoảng 7 USD/kg, vitamine tổng hợp (6- 10USD/kg)... Tính trên giá thành, mỗi kg sữa có bổ sung tối đa các thành phần theo công thức tốt nhất mà các hãng sữa nêu, thậm chí có bổ sung DHA đến 4-5 lần, thì giá cũng chỉ vào khoảng 70.000đ/kg. Thế nhưng hiện nay người tiêu dùng phải trả từ 143.000 - 165.000đ/kg cho sữa sản xuất trong nước và từ 305.000 - 425.000đ/kg cho sữa nhập khẩu "cao cấp".

Giám đốc một doanh nghiệp sữa cho biết: Với mức giá hiện nay, các doanh nghiệp trong nước lãi khoảng 30%, còn các hàng sữa ngoại nhập lãi 60%. Theo nghiên cứu của Cục Quản lý Cạnh tranh đưa ra tại hội thảo "Giá sữa và vấn đề kiểm soát", giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam cao hơn 20-60% thậm chí có loại tăng 100-150% so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia…Vì vậy, để kiểm soát giá sữa, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu liên Bộ Tài chính, Công thương, Y tế phải kiểm tra và gửi báo cáo ngay cho Văn phòng thủ tướng trước ngày 30/7.

 ...cho đến giá xe máy

Không chỉ mặt hàng sữa, một số mặt hàng khác cũng đang bị thổi giá lên cao mà nguyên nhân chính cũng bắt nguồn từ tâm lý đám đông. Tình trạng giá xe xe máy Lead, Air Blade của hãng Honda là một thí dụ.

Chị Bình (ngân viên Ngân hàng BIDV) cho biết: "Mình đã đi tìm mua xe Lead vàng từ vài tuần nay nhưng các cửa hàng đều báo hết màu vàng. Các màu khác rẻ hơn khoảng 2-3 triệu nhưng mình vẫn cố chờ vậy".



Người tiêu dùng sẵn sàng bỏ thêm vài triệu để "săn " bằng được màu xe mình thích.

Khi chúng tôi kiểm tra giá trên trang web công ty Honda, giá bán đề xuất xe Lead màu đen, đỏ, bạc, trắng giá bao gồm VAT 30,99 triệu đồng/chiếc; Lead màu hồng và vàng 31,49 triệu đồng/chiếc; Xe Air Blade FI 31,99 triệu đồng/chiếc; xe Air Blade Repsol 32,99 đồng/ chiếc. Trong khi đó, Đại lý công ty TNHH H&T (Láng Hạ) chào giá xe Lead màu đen là 32,5 triệu đồng/chiếc, xe Lead vàng và xe Air Blade màu đỏ tạm thời chưa có hàng.

Dạo qua cửa hàng Kường Ngân ở phố Tôn Đức Thắng nhân viên công ty báo giá xe Lead từ 35-36 triệu/chiếc tuỳ màu. Xe Air Blade loại mới có hai màu đen, đỏ, trắng nhưng giá xe Air Blade màu đỏ là 38 triệu đồng/chiếc, trong khi màu đen và trắng 36 triệu đồng/chiếc. Như vậy, giá bán lẻ đề nghị từ nhà sản xuất và giá tại các đại lý đã chênh lệch đến vài triệu. Chưa kể sự chênh lệch về màu sắc.

Giải thích hiện tượng này nhân viên đại lý H&T cho biết: "Đợt nhập xe lần này cửa hàng chị chỉ có 14 chiếc Lead, riêng màu vàng “hot” nhất tranh giành mãi mới lấy được 5 chiếc, khách mua nào cũng hỏi màu vàng. Do vậy buộc phải lấy chênh lên vài triệu”. Còn người tiêu dùng thì sẵn sàng bỏ thêm vài triệu để “săn tìm” bằng được màu xe mình yêu thích. Rõ ràng yếu tố cung cầu trên thị trường đã góp phần lớn trong việc quyết định mức giá bán ra của mỗi mặt hàng. Nhưng khi cầu bị chi phối bởi yếu tố tâm lý thì rất khó kiểm soát. Nếu mọi người đều đổ dồn vào mua một loại hàng hoá ắt sẽ tạo tình trạng khan hiếm hàng và đương nhiên người bán thoả sức “hét” giá. Vô hình chung người tiêu dùng đã tự mình móc túi mình mà không hề biết.