Nguyên liệu tôm bị thương nhân Trung Quốc giành giật


Nguyên liệu tôm bị thương nhân Trung Quốc giành giật

Ông Lê Văn Quang, chủ tịch uỷ ban tôm (hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam), tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ hải sản Minh Phú (Cà Mau) nói: “Gần đây, nhiều thương lái Trung Quốc xuống tận Cà Mau kết hợp với các vựa để gom tôm. Họ đưa ra giá cao hòng vét sạch nguyên liệu. Giá tôm loại 20 con/kg khoảng 140.000đ, nhưng thương nhân Trung Quốc sẵn sàng trả 195.000đ”.

Trung Quốc mua cao bán thấp!

Điều nguy hiểm hơn, theo ông Quang, số tôm nguyên liệu mua giá cao tại Việt Nam được thương nhân Trung Quốc đưa về nước bán thấp hơn nhiều so với giá tôm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này. “Cùng cỡ tôm nguồn gốc từ Cà Mau, nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải bán cao hơn 34.000đ/kg so với mức giá mà thương nhân Trung Quốc bán mới có lời”, ông Quang nói.

Không chỉ có vùng tôm đồng bằng sông Cửu Long, vùng  nuôi tôm thẻ chân trắng vừa hình thành ở miền Trung cũng bị thương nhân Trung Quốc xâu xé. Ông Trần Văn Lĩnh, giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản và thương mại Thuận Phước – Đà Nẵng than vãn rằng, không thể “đấu” nổi với đám thương nhân người Trung Quốc để mua tôm thẻ chân trắng. Từ giữa tháng 5, vào vụ thu hoạch tôm ở Quảng Nam, Khánh Hoà…, theo ông Lĩnh, cũng là lúc thương nhân Trung Quốc xuất hiện. “Họ xuống tận đìa, xắn quần bắt tôm, trả giá cao để thu gom cho bằng được”, ông Lĩnh kể. Thực trạng này, khiến cho giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg tăng vùn vụt, từ 38.000đ hồi đầu vụ, đến nay đã là 45.000đ. Mức giá nguyên liệu cao như vậy, nhiều doanh nghiệp chế biến tôm ở miền Trung khẳng định, nếu cố sức mua vào làm hàng xuất khẩu chỉ có nước lỗ vốn.

Nhờ gian lận

Tại sao thương nhân Trung Quốc mua giá cao tại Việt Nam, rồi đưa về Trung Quốc bán giá thấp? Câu trả lời là do họ gian lận bằng cách bơm tạp chất, làm tăng thêm 20 – 30% trọng lượng. Bằng chứng là mới đây, những lô hàng gian lận này bị chính lực lượng thanh tra Trung Quốc phát hiện, không cấp phép nhập khẩu. Một nguồn tin từ cửa khẩu ở Quảng Ninh cho hay, chỉ trong tháng 5 vừa qua, 40 container hàng thuỷ sản đông lạnh, trong đó có khá nhiều lô tôm do thương nhân Trung Quốc đứng tên đã bị ách lại. Sau đó, chỉ có 13 container được hải quan Trung Quốc cho thông quan, nhưng chỉ được bán ở một số khu vực vùng ven biên giới. Số còn lại buộc phải tiêu huỷ hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, kiểu mua vét nguyên liệu của một số thương nhân Trung Quốc không đơn thuần là vấn đề cạnh tranh thương mại. Do thiếu nguyên liệu, giá tăng cao, nhiều nhà máy chế biến tôm trong nước đã phải đóng cửa, giảm công suất. Ông Nguyễn Thanh Đạm, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Bạc Liêu nói, giá nguyên liệu tôm đã tăng 5 – 10%, trong khi thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, khiến sản phẩm tôm Việt Nam mất tính cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Indonesia…