Nhà đầu tư Hàn Quốc đón cơ hội ngành dệt may

 Dự án có tổng vốn đầu tư 6 triệu USD (giai đoạn I), chuyên sản xuất sợi chỉ polyester, sợi chỉ nylon và các loại chỉ may công nghiệp khác với quy mô 4.440 tấn sản phẩm/năm và ngay trong đầu tháng 3/2015, chủ đầu tư sẽ triển khai xây dựng nhà máy, để đưa vào hoạt động từ cuối năm 2015.

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc tăng 27%, đạt 2,4 tỷ USD

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ông Kim Keun Choong, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Rio Indsutries (chủ đầu tư Dự án) cho biết, Công ty sẽ đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng và đưa nhà máy vào khai thác đúng thời gian và tiến độ cam kết.

Tại sao lại là vốn Hàn Quốc, mà không phải dòng vốn từ những quốc gia khác? Và ngành dệt may đang có lợi thế gì cho nhà đầu tư, khiến dòng vốn từ quốc gia này chảy vào Việt Nam nhiều hơn?

Về mặt khách quan, khi một nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam, thì trước hết, lĩnh vực đó tại Việt Nam phải có lợi thế cạnh tranh. Thời gian qua và hiện tại, dệt may được đánh giá là ngành như vậy, khi năng lực sản xuất của ngành liên tục tăng cao, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 2 chữ số, với giá trị năm 2014 đạt 24,5 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2013.

Theo phân tích của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), doanh nghiệp Hàn Quốc gia tăng đầu tư để đón lõng cơ hội xuất khẩu hàng dệt may, đặc biệt là các loại nguyên phụ liệu vốn được đánh giá là được hưởng lợi lớn khi một loạt hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã và sắp được ký kết.

Đơn cử, với Dự án Sản xuất sợi chỉ 6 triệu USD tại Quảng Nam, khoan chưa nói đến việc xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường lớn, mà sản phẩm dệt may Việt Nam ngày càng được đánh giá cao tại Mỹ, EU, Nhật Bản…, đối với các sản phẩm phụ trợ như chỉ may chẳng hạn, Công ty Rio Indsutries có nhiều cơ hội bán ngay tại chỗ cho các doanh nghiệp may mặc tại Việt Nam vốn đang phải nhập khẩu đến 90% chỉ may.

Tại Việt Nam, hiện có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chỉ may, ngoại trừ Công ty TNHH Coats Phong Phú, liên doanh với một công ty của Anh chuyên sản xuất chỉ may cao cấp phục vụ hàng may mặc và giày da xuất khẩu.

Với những doanh nghiệp mới vào Việt Nam trong năm 2014 và đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy, họ đều thừa nhận, cơ hội lớn về thị trường khi các hiệp định thương mại tự do mở ra với Việt Nam đã đưa họ đến với ngành dệt may.

Ông Suh Min Sok, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dong - IL Việt Nam, doanh nghiệp đang đầu tư nhà máy sản xuất sợi tại Đồng Nai cho biết, theo kế hoạch, nhà máy đầu tiên của Tập đoàng Dong - IL sẽ đi vào sản xuất từ giữa năm 2015, cung ứng sợi cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường châu Á.

Với tổng vốn đầu tư 52 triệu USD, Tập đoàn Dong - IL đã khởi đầu cho kế hoạch đầu tư tại Việt Nam với một dự án không nhỏ và chắc chắn đã được tính toán kỹ về lộ trình tăng vốn theo từng giai đoạn. Điều này cũng tương tự trường hợp Công ty Rio Indsutries, khi khẳng định 6 triệu USD đầu tư giai đoạn I chỉ là ban đầu, trong tương lai sẽ tiếp tục đổ vốn mở rộng đầu tư giai đoạn II.

Kết thúc năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hàn Quốc tăng 27%, đạt 2,4 tỷ USD và năm 2015, dự kiến xuất khẩu sẽ vượt 3 tỷ USD.

Sự gia tăng mạnh mẽ về giá trị xuất khẩu của hàng dệt may phần nào phản ánh sự tín nhiệm của thị trường Hàn Quốc với sản phẩm xuất xứ Việt Nam. Từ đây, cũng tạo một làn sóng đầu tư dịch chuyển từ Hàn Quốc sang Việt Nam, đón sóng thị trường, tận dụng điều kiện về đầu tư, giá nhân công hợp lý để tối đa hóa lợi nhuận.