Nhà máy giấy khổng lồ xả 28.500 tấn xút ra sông Hậu sắp hoạt động !

 Đây là dự án đầu tư 100% vốn Trung Quốc (1,2 tỷ USD). Khu vực đặt nhà máy gọi là cụm công nghiệp Cái Cui – Nam sông Hậu (Tỉnh Hậu Giang) thực chất là vùng cây ăn trái trù phú với những đặc sản bưởi, cam, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn, mận, ổi…và những hộ chuyên nuôi cá đồng. Nơi này được/bị quy hoạch làm cụm công nghiệp hồi 2006, nhưng đến nay chỉ có vài doanh nghiệp đi vào hoạt động. Hầu hết đất đai vườn cây – ao cá bị thu hồi và san bằng, hiện bỏ hoang, um tùm…

 
Hiện khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn. Nên việc một Nhà máy giấy (100% Trung quốc) khổng lồ đi vào hoạt động đang dấy lên nỗi lo lắng về môi trường cho hạ nguồn sông Hậu (vùng trù phú và giàu đẹp nhất Mekong delta).
 
Trước đó, Hiệp hội chế biến và XK thuỷ sản VN (VASEP) đã đề nghị Bộ trưởng Bộ NN- PTNT có ý kiến để các cơ quan nhà nước nghiên cứu kỹ vị trí của dự án nhà máy giấy và bột giấy Lee&Man nhằm không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường nước của vùng nuôi thuỷ sản ở ĐBSCL.

 
Địa điểm không có trong quy hoạch 
Cục Lâm nghiệp đã từng đề nghị Bộ NN – PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang kiểm tra, đánh giá lại vấn đề về an ninh môi trường của nhà máy Lee&Man; yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện nghiêm túc việc xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế. Không chấp nhận phương án nhập 80% nguyên liệu là giấy phế liệu từ nước ngoài để sản xuất giấy và bột giấy tại VN. Cục này cũng khẳng định, theo Quyết định số 160/1998/QĐ-TTg ngày 4/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy VN đến năm 2010 – tầm nhìn 2020 thì cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại ĐBSCL.
 
Trên thực tế, các tỉnh không thể đưa toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh mình vào vùng nguyên liệu cho nhà máy. Những rừng tràm sẽ biến mất, còn nước thải sẽ đổ trực tiếp ra các con sông?
 
Sông Hậu sẽ phải gánh hàng chục nghìn tấn xút/năm?
 
Đáng chú ý, theo ước tính của cục này thì mỗi năm nhà máy Lee&Man sẽ thải ra khoảng 28.500 tấn xút (Công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút là nhiều nhất, đứng hàng thứ hai sau cyanuya, thạch tín). Trong khi đó, vùng đặt nhà máy giấy là vùng trũng nhất của khu vực nên khó rửa trôi một lượng xút lớn. Vì vậy, nếu nước thải từ việc vận hành nhà máy giấy Lee&Man đổ ra sông Hậu và biển thì sẽ tiêu diệt nguồn thuỷ sản ở sông và biển phía Nam nước ta, đồng thời sẽ ảnh hưởng rất lớn cho việc nuôi trồng thuỷ sản ở ĐBSCL.