Nhà nước và doanh nghiệp cần bình đẳng về chế tài và nghĩa vụ trong dự án PPP
Tại hội thảo “Góp ý đề xuất xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức tại Hà Nội, những bất cập trong hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được thẳng thắn nêu ra.
Theo cơ quan soạn thảo, hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hiện nay được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và một số thông tư, văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, cho đến nay số lượng dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/CP và Nghị định 30/CP không nhiều do do vướng các luật khác có liên quan.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Việt Nam luôn ở mức cao trong những năm gần đây; trong đó, nhu cầu đầu tư hạ tầng giai đoạn 2016 – 2020 dự báo khoảng 20 – 25 tỷ USD, gấp đôi so với mức đầu tư 5 năm trước đó.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án PPP, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, còn gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong đó, quy định pháp lý hiện đang được điều chỉnh bởi nhiều luật, chưa phù hợp với đặc thù dự án PPP, năng lực của cán bộ thực hiện còn yếu và vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp; nguồn tín dụng thương mại có thời hạn ngắn hoặc đòi hỏi các cơ chế bảo lãnh chưa được quy định.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, thời gian thực hiện các dự án PPP thường kéo dài, cần một lượng vốn lớn nên không thể tránh khỏi những rủi ro lớn về mặt pháp lý. Đặc biệt, có những dự án PPP gặp phải sự phản ứng dữ dội trong công chúng.
Do đó, ông Tuấn cho rằng, việc nâng cấp các quy định PPP từ nghị định lên luật là hết sức cần thiết nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý để đảm bảo quyền lợi của cả chủ đầu tư và nhà nước.
Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và đầu tư), dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP sẽ tập trung vào một số nhóm chính sách lớn như: nâng cao hiệu quả đầu tư, trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với dự án PPP, công khai minh bạch thông tin; trình tự và thủ tục đầu tư, các biện pháp thu hút đầu tư và tính pháp lý của hợp đồng PPP.
Doanh nghiệp nói gì?
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Tasco cùng một số doanh nghiệp khác cho rằng dự thảo luật PPP là rất cần thiết. Nếu luật đầu tư theo hình thức PPP sớm được ban hành, tốc độ đầu tư của các doanh nghiệp cũng sẽ nhanh hơn và tránh lãng phí bởi năm vấn đề lớn trong việc thực hiện các dự án PPP đang cần được giải quyết.
Thứ nhất, cần sửa đổi quy định về thời gian đóng vốn chủ sở hữu. Theo ông Dũng, nhiều dự án lớn có tổng vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng chưa thực hiện được ngay nhưng lại phải đóng đủ vốn ngay từ đầu sẽ gây nên lãng phí cho doanh nghiệp vì “tiền của doanh nghiệp là phải sinh lời”.
Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng hiện nay do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở cấp địa phương thực hiện quá chậm trễ cũng đã gây nên không ít lãng phí. Ông Dũng cho rằng nhà nước cần có cam kết với doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng chứ không chỉ nói chung chung; cần có những chế tài xử phạt nếu cơ quan cấp địa phương chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp.
Thứ ba, mức lãi suất vốn vay không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ là không công bằng vì tỷ suất chưa hẳn đã phù hợp với tình hình tín dụng của thị trường. Do đó, ông cho rằng công bằng nhất là lấy lãi suất trung bình của 3 - 4 ngân hàng.
Bên cạnh đó, hiện nay gần như chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án PPP vì vướng vấn đề rủi ro; đặc biệt trong việc bảo đảm doanh thu tối thiểu trong khi các nhà đầu tư trong nước vẫn còn chưa đủ tiềm lực về vốn và kinh nghiệm. Do đó, ông Dũng cho rằng cần đưa vấn đề hỗ trợ và chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và doanh nghiệp vào trong dự thảo.
Thứ năm, hợp đồng PPP cần rõ ràng và bình đẳng về chế tài và nghĩa vụ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Hiện nay, nhà nước đối xử với doanh nghiệp như một cơ quan cấp trên, mặc dù đã có hợp đồng nhưng có thể thay đổi hoặc không tuân thủ theo hợp đồng.
Ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó tổng giám đốc Công ty Đèo Cả cho biết, có nhiều nhà đầu tư lớn có tâm huyết với các dự án hợp tác công tư, đặc biệt cũng đang nản và dần chuyển hướng do gặp phải quá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các vấn đề về thủ tục.
Bên cạnh đó, ông Thủy cho rằng, cần chọn những nhà đầu tư thực sự có năng lực để thực hiện các dự án hợp tác công tư vì hiện nay, một số nhà đầu tư bỏ cuộc sau một vài năm.
Ông Trần Duy Hưng, đại diện Monitor Consulting cho rằng việc xây dựng Luật PPP là cơ hội tốt thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, giải quyết các vấn đề vướng mắc, nhưng nếu không xem xét tính phù hợp với thông lệ quốc tế thì sau vài năm hiệu quả thu hút đầu tư PPP sẽ không được như mong đợi.
Nhìn từ góc độ luật, luật sư Nguyễn Hưng Quang cho rằng trong các dự án PPP, dường như chúng ta chỉ mới đề cập đến Nhà nước và tư nhân mà quên đi một đối tác khác là cộng đồng những người sẽ sử dụng công trình, dịch vụ từ dự án đó.
“Vì vậy để tránh những trường hợp đáng tiếc như BOT Cai Lậy, cần tham vấn cộng đồng từ quá trình xây dựng Luật, lập dự án đến triển khai dự án. Cơ chế giám sát cộng đồng đi kèm với chính sách minh bạch hoá thông tin cũng rất quan trọng để tăng tính hiệu quả của những dự án này”, ông Quang nhận định.