Nhà tài trợ: Việt Nam cần cẩn trọng trong khai thác bô-xít
Hạn chế giá phải trả
Tổ chức Hội nghị CG tại Tây Nguyên, các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam đã dành thời gian để bàn thảo chiến lược phát triển cho vùng đất này.
Khai thác bô-xít tại Đăk Nông.
Nhiều nhà tài trợ bày tỏ quan tâm đặc biệt tới các dự án bô-xít ở Tây Nguyên. Đại sứ Na Uy ở Việt Nam Kjell Storlokken thay mặt nhóm các nhà tài trợ đã đi khảo sát thực tế ở khu vực này quan ngại, Việt Nam là quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên như bô-xít, nhưng khi khai thác, cần cẩn trọng.
Khai thác bô-xít “phải đảm bảo lợi ích mang lại cho người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân ở Tây Nguyên. Cần có sự phối hợp giữa các bên để hạn chế cái giá phải trả với môi trường, văn hóa, xã hội và bảo vệ khu vực này cho thế hệ tương lai”.
Đại sứ Na Uy kêu gọi: “Chính phủ Việt Nam cần quản lý hoạt động khai khoáng ở Tây Nguyên, phù hợp với sáng kiến minh bạch nguồn tài nguyên”.
Các nhà tài trợ kêu gọi tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam, cung cấp trợ giúp kĩ thuật, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của Việt Nam.
"Làm từng bước"
Đáp lại lời kêu gọi này, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho hay, với Việt Nam, tài nguyên khoáng sản, trừ dầu khí, chủ yếu ở miền núi. Khoáng sản là một trong những lợi thế ở miền núi để phát triển kinh tế.
Đơn cử, các mỏ than ở miền Bắc đóng góp tích cực nâng thu nhập ở Đông Bắc Việt Nam. Chương trình xây dựng các nhà máy sản xuất xi măng cũng khai thác chủ yếu ở miền núi. Với Tây Nguyên, khoáng sản lớn nhất chính là bô-xít. Trữ lượng lớn, đứng hàng thứ 3 thế giới.
“Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch khai thác bô-xít, không ngoài mục đích là phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt đồng bào ở khu vực có khoáng sản. Đồng thời, khi khai thác bô-xít phải nghĩ đến tác động môi trường, xã hội như thế nào. Thế nên, trong chỉ đạo của lãnh đạo Việt Nam, cho phép khai thác nhưng thí điểm, làm từng bước trên cơ sở xem xét đảm bảo hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và bảm đảo môi trường”, ông Phúc nói.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư trấn an các nhà tài trợ: “Các bạn yên tâm, Việt Nam đã có bước chuẩn bị kĩ trong vấn đề này, đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường”.
Kết luận bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, điển hình ở Tây Nguyên: “Mời các nhà tài trợ đến Đăk Lăk để thấy được sự phát triển của Tây Nguyên, cũng như thấy khó khăn mà Việt Nam đang đối mặt với sự nghèo đói ở vùng này, từ đó có chính sách hỗ trợ hợp lý”.
Trước đó, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, trực thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có một báo cáo riêng về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và thực hiện cơ chế chính sách trên địa bàn Tây Nguyên gửi tới các nhà tài trợ.
Kinh tế Tây Nguyên tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Chênh lệch mức sống giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng lớn. Dân di cư tự do đến Tây Nguyên ngày càng nhiều, dẫn tới rừng bị tàn phá, gây khó khăn cho địa phương trong việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, bố trí đất sản xuất, đất ở, giải quyết việc làm cho đồng bào.