Nhà xưởng cho thuê giảm giá vẫn ế dài dài
Tình trạng nhà xưởng treo bảng cho thuê diễn ra khá nhiều ở một số khu vực trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là vùng ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân… trong thời gian gần đây.
Đối với Đồng Nai và Bình Dương, tình hình cũng không khá hơn. Có đoạn đường chỉ khoảng 3km, nhưng có đến gần 30 mặt bằng, nhà xưởng treo bảng cho thuê.
Đa số chủ cho thuê cho biết, bảng được treo khá lâu, nhưng khách hỏi thuê không nhiều và hầu hết một đi không trở lại.
Giảm giá vẫn ế
Ghi nhận của phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị trên tuyến đường Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá, quốc lộ 1A… (quận 12), bảng cho thuê mặt bằng, nhà xưởng treo hai bên đường khá dày. Diện tích cho thuê cũng rất đa dạng, từ vài trăm đến vài ngàn mét vuông đều có thể dễ dàng tìm được.
Theo một bảo vệ kho nằm trên đường Nguyễn Văn Quá, kho này trước đây do một doanh nghiệp may thuê làm kho chứa hàng, nhưng sáu tháng nay không thuê nữa. Ông bảo vệ cho biết thêm, diện tích của kho này khoảng 110m2, có điện ba pha, vị trí rất thuận tiện cho việc mở xưởng sản xuất hay lưu kho hàng hoá với giá 6 triệu đồng/tháng. Mức giá này hiện thấp hơn sáu tháng trước khoảng 1 triệu đồng, nhưng vẫn chưa thể tìm được khách thuê.
Tình trạng ế ẩm được ông Tường – chủ một nhà xưởng ở quốc lộ 13 (huyện Thuận An, Bình Dương) đang treo bảng cho thuê xác nhận. Ông Tường cho biết thêm, nhà xưởng của ông rộng 240m2, trong đó có một văn phòng rộng 40m2 và nhiều vật dụng dùng cho văn phòng. Mức giá được chủ nhà đưa ra là 12 triệu đồng (chưa VAT) và đặt cọc ba tháng. Ông Tường cho biết, mức giá này so với thời điểm cuối năm ngoái, khi một doanh nghiệp Hàn Quốc trả nhà, vẫn thấp hơn khoảng 1,5 triệu đồng. “Mặc dù giảm giá đã hơn nửa năm nhưng tôi vẫn chưa tìm được khách thuê. Có lẽ kinh tế khó khăn nên doanh nghiệp không mở rộng sản xuất”, ông Tường nói.
Đối với những nhà xưởng có diện tích lớn, tình hình còn bi đát hơn. Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh ôtô ở Bình Dương cho biết, vì thiếu nhân lực, chi nhánh của doanh nghiệp này tại huyện Thuận An hiện đang đóng cửa, treo bảng cho thuê tuy nhiên cũng chưa tìm được khách. Vị đại diện này cho biết, toàn bộ diện tích nhà xưởng của chi nhánh này rộng khoảng 2.500m2, trong đó kho khoảng 1.600m2 được xây dựng từ năm 2008. Hoạt động được một thời gian thì doanh nghiệp này quyết định sáp nhập hai chi nhánh Thuận An và Dĩ An để tiết kiệm nhân lực cũng như chi phí. Tuy nhiên, bảng được treo từ đầu năm đến nay nhưng chưa có khách thuê. Mặc dù mức giá thuê của nhà xưởng này được cho là không cao, khoảng 6.000 USD/tháng (chưa VAT), vì mặt tiền khá rộng trên quốc lộ 13, song bảo vệ của nhà xưởng này cho biết, rất ít khách đến hỏi thuê.
Doanh nghiệp nhỏ dẹp tiệm
Ông Lý Ngọc Đức, chủ cơ sở in ấn Ngọc Long (TP.HCM) cho biết, ông vừa bị hai doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ giật nợ gần 50 triệu đồng. Đây là số tiền cơ sở của ông Đức thực hiện những hợp đồng in bao bì cho hai doanh nghiệp nói trên. Hiện, khách hàng của ông Đức đã đóng cửa, ngưng sản xuất và tuyên bố phá sản. Ông Đức cho rằng, số nợ không lớn đối với cơ sở của ông và càng không lớn đối với hai con nợ của ông, bởi mỗi doanh nghiệp chỉ nợ khoảng hơn 20 triệu đồng. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang lâm vào tình cảnh rất bi đát. Đối với ông Đức, doanh số mấy tháng nay của Ngọc Long cũng giảm khoảng 50%. “Khách hàng chủ chốt đều tạm ngưng các hợp đồng lớn, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản. Chúng tôi đang phải chuyển hướng sang những khách hàng nhỏ hơn hoặc cá nhân để giải quyết những chi phí trước mắt”, ông Đức cho biết.
Câu chuyện của ông Đức tuy không thể khái quát hết, nhưng phần nào nói lên tình trạng thu hẹp sản xuất kinh doanh, nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng mặt bằng nhà xưởng trở nên khó cho thuê. Theo TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanh, đại học Ngân hàng TP.HCM, việc giảm quy mô sản xuất kinh doanh trong thời điểm khó khăn là giải pháp phù hợp nhất đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa.