Những điểm sáng trong bức tranh FDI 10 tháng

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 10 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 10,49 tỷ USD, bằng 75,3% so với cùng kỳ 2011. Đây là con số không khả quan so với mục tiêu thu hút 15 tỷ USD trong năm 2012 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra từ đầu năm. Trong khi đó, chỉ còn 2 tháng nữa năm 2012 sẽ kết thúc, vì thế nhiều khả năng, mục tiêu này sẽ không thể trở thành hiện thực.
Nguyên nhân về vấn này đã được các chuyên gia nhắc đến rất nhiều trong các cuộc hội thảo gần đây, trong đó một số nguyên nhân chủ yếu được nhắc đến đó là do tác động của suy thoái kinh tế thế giới; do ảnh hưởng của động đất, sóng thần Nhật Bản,… tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân này các chuyên gia cũng thẳng thắn thừa nhận do môi trường đầu tư ở Việt Nam thời gian qua có nhiều tồn tại. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lãi suất ngân hàng, lạm phát và nợ xấu ngân hàng ở mức cao. Hạ tầng giao thông, điện nước chưa hoàn thiện, và sự thiếu ổn định về chính sách,… đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, làm cho Việt Nam kém hấp dẫn.
Trong số 10,49 tỷ USD vốn đăng ký 10 tháng đầu năm 2012 có 6,68 tỷ USD là vốn đăng ký của 881 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, bằng 63,3% so với cùng kỳ và 3,8 tỷ USD là vốn đăng ký của 359 dự án FDI tăng vốn, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy, dù vốn đăng ký mới chỉ bằng 63,3% so với cùng kỳ nhưng vốn tăng thêm trong 10 tháng qua lại có mức tăng vọt lên 13,2% so với cùng kỳ. Đây là một điểm sáng trong bức tranh FDI 10 tháng đầu năm, chứng tỏ những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam rất tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển tại Việt Nam.
Một điểm sáng nữa trong bức tranh FDI 10 tháng đầu năm đó là xuất khẩu FDI trong 10 tháng đầu năm kể cả dầu khí đạt 58,55 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ và chiếm 62,65% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực FDI trong 10 tháng đầu năm đạt 49,18 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ và chiếm 52,43% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 10 tháng đầu năm 2012, khu vực FDI xuất siêu 9,36 tỷ USD. Trong khi đó, 10 tháng đầu năm Việt Nam nhập siêu 357 triệu USD. Điều đó cho thấy, khu vực FDI đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng cán cân thương mại.
Điểm sáng thứ 3 trong bức tranh FDI 10 tháng đầu năm 2012 đó là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 6,9 tỷ USD, chiếm 66,2% tổng vốn FDI đăng ký trong 10 tháng. Số liệu này một lần nữa chứng tỏ, dòng vốn FDI đã dần đi vào thực chất hơn và mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 đang dần được hiện thực hoá.

Đặc biệt, trong số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng qua thì Nhật Bản vẫn là quốc gia dẫn đầu về tổng vốn đăng ký với 4,92 tỷ USD, chiếm 46,9% tổng vốn đầu tư trong 10 tháng đầu năm. Trong khi đó, Nhật Bản lại là một trong những quốc gia hàng đầu về công nghệ trên thế giới, nên đây cũng là một điểm sáng trong bức tranh FDI trong 10 tháng đầu năm 2012.