Những góc nhìn khác nhau về tăng trưởng kinh tế
Năm ngoái, các nhà đầu tư nước ngoài tụ họp tại hội nghị bàn tròn do Economist (tổ chức xuất bản tạp chí kinh tế cùng tên) tổ chức với tâm trạng còn khá phấn khích, tuy lo âu về tốc độ lạm phát phi mã lúc bấy giờ. Năm nay, với tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, không khí hội nghị có thể được miêu tả là “chín chắn” hơn nhiều.
Vấn đề gây ngạc nhiên nhất là nhận định u ám của Economist Intelligence Unit (EIU), một tổ chức chuyên phân tích thông tin kinh tế có uy tín cao, về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Phân tích tình hình kinh tế Việt Nam đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, EIU dự báo tổng sản phẩm quốc nội Việt Nam (GDP), hay tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong năm 2009 sẽ chỉ đạt 0,3%.
Đây là mức độ thấp đáng kinh ngạc, nếu so sánh với mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra là 6,5%. EIU cho rằng, với tốc độ phát triển như vậy, so với các nước lệ thuộc vào xuất khẩu khác, Việt Nam vẫn còn khá hơn hàng loạt nước châu Á khác sẽ bị tăng trưởng âm trong năm nay, nhưng đứng sau các nước như: Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia.
Dự báo này vẽ ra một bức tranh rất khác biệt với những nhận định vẫn rất lạc quan của Chính phủ mà phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày trước đó. Ông Sinh Hùng cho rằng, những khó khăn trung hạn mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt sẽ được giải quyết vào cuối năm nay, và kinh tế sẽ bật mạnh vào đầu năm 2010.
Ông nói: “Nền kinh tế Việt Nam còn mới và tốc độ tăng trưởng vẫn đang ở đà nhanh. Thị trường Việt Nam hấp dẫn và nguồn lực lao động đang ở trong “thời kỳ vàng”.
Ông cho rằng, Việt Nam sẽ dùng nội lực để giải quyết những khó khăn hiện nay, và tạo đà phát triển đi lên. Tuy nhiên, phó thủ tướng Sinh Hùng đã rời khỏi hội nghị ngay sau bài phát biểu của mình, nên các đại biểu không được nghe phản biện của Chính phủ với những dự báo của EIU.
Giới doanh nghiệp, đa số đang làm ăn tại Việt Nam, có góc nhìn lạc quan hơn EIU, nhưng cũng thận trọng hơn so với mục tiêu của Chính phủ. Ông Alain Camy, chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt nam (Eurocham) cho rằng, với thị trường nội địa còn sức sống, Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm nay.
Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (Amcham) nghiêng về góc nhìn của đồng nghiệp Eurocham trước đó. “Tôi nghĩ nhận định của EIU có lẽ hơi quá bảo thủ,” ông Michael Pease, chủ tịch Amcham Việt Nam nói. Ngân hàng JP Morgan đưa ra nhận định lạc quan nhất trong số các doanh nghiệp, cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 5% trong năm nay.
EIU cho rằng, năm 2009 là một năm rất nhiều khó khăn đối với Việt Nam, với việc kim ngạch xuất khẩu có thể giảm tới 40% do sức tiêu dùng sụt nghiêm trọng ở Mỹ, châu Âu và Nhật, những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Tổ chức này cho rằng, nguồn kiều hối, vốn đạt tới 8 tỉ USD trong năm 2008, cũng sẽ giảm.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thậm chí giảm đến 70%. Mặc dù tổng vốn FDI đăng ký năm ngoái đạt mức kỷ lục trên 60 tỉ USD, vốn giải ngân thực chất chưa tới 8 tỉ USD.
Với tình hình tiêu thụ sụt giảm dẫn đến cắt giảm sản xuất toàn cầu hiện nay, FDI giải ngân ở Việt Nam có thể chỉ đạt trên 2 tỉ USD. Nhận định này cũng găp phải sự phản bác của một số doanh nghiệp có mặt tại Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, mức giảm FDI có lẽ chỉ đến 30%.
Giải thích về những nhận định mang tính kém lạc quan này, ông Justin Wood, giám đốc mạng lưới doanh nghiệp của EIU ở Đông Nam Á cho biết: “Tình hình toàn cầu quá tệ hại, vì thế những phân tích của chúng tôi về kinh tế Việt Nam cho kết quả là như vậy. Khác với các doanh nghiệp đang kinh doanh ở đây, và có nhiều mối ràng buộc với triển vọng của Việt Nam, chúng tôi ở bên ngoài, và quan điểm của chúng tôi là độc lập”.
Những doanh nghiệp sản xuất nhắm vào tiêu dùng nội địa vẫn tỏ ra lạc quan về sức mua của thị trường. Trong khi đó, Amcham cho biết họ nghe nhiều thông tin về việc cắt giảm sản lượng và đóng cửa nhà máy của những doanh nghiệp sản xuất nhắm đến xuất khẩu.
“Tôi cho rằng, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy đáy. Có lẽ phải đến quý 3 năm nay, chúng ta mới xác định được nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng thế nào”. Những công ty có mặt tại Việt Nam như Unilever, HSBC… đều nhận định tương đối lạc quan về tiềm năng trung và dài hạn của Việt Nam, nhưng không chắc chắn về tình hình trong vòng một đến hai năm tới.
Bất chấp những tin tưởng và kỳ vọng vào sức mua của thị trường nội địa, các chỉ số kinh tế đưa ra nhắc nhở thực tế là kinh tế Việt Nam còn rất lệ thuộc vào xuất khẩu.
Lợi thế cạnh tranh lớn nhất hiện nay là, nguồn nhân lực rẻ, nhưng đây được cho là một chiến lược không bền vững, và câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ duy trì lợi thế này được bao lâu.
Những quan ngại cơ bản của nền kinh tế như thiếu cơ sở hạ tầng, lao động tay nghề cao, thừa các quy định pháp luật không rõ ràng, và bộ máy hành chính kém hiệu quả vẫn còn đó. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, cũng như tệ nạn tham nhũng, là những sức ỳ rất lớn cho quá trình phát triển.
Nhìn lại hai mươi năm qua, giới doanh nghiệp nước ngoài cho rằng Việt Nam khá thành công trong việc phát triển từ một nước thu nhập thấp lên hàng ngũ thu nhập trung bình. Nhưng liệu Việt Nam sẽ trở thành một nền công nghiệp mạnh như Hàn Quốc, hay kẹt lại ở khu vực trung bình như Philippines hay Indonesia, là cả một câu hỏi lớn.