Những "quả đắng" của EVN khi lấn sân ngành ngoài
Bên trong vỏ bọc an toàn của tỷ lệ đầu tư ngành ngoài chỉ 2,8% so với quy định 30% vốn điều lệ, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) gần như đã phá sản giấc mơ về viễn thông và chứng khoán, còn ngân hàng và bất động sản đang khá mong manh trong xu thế ảm đảm chung.
Báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chỉ cho hay, vốn đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 2.100 tỷ đồng, chiếm 2,8% vốn điều lệ. EVN đã có "thâm niên" 6 năm lấn sân sang viễn thông, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm... Đây đều là những ngành "hot", dễ thu lời nhưng tiềm ần rủi ro cao. Tiếc rằng, vẫn chưa có một công bố toàn diện nào về việc, thực hư 2.100 tỷ đồng trên cùa EVN đã đổ vào đâu và hiệu quả như thế nào.
Phá sản giấc mơ viễn thông và chứng khoán
Cay đắng nhất cho EVN là phải kể đến là lĩnh vực viễn thông. Công ty Viễn thông điện lực (EVN Telecom) là mạng di động thứ 6 tại Việt Nam, sở hữu đầu số 096 và băng tần 450 MHZ, là băng tần thấp và khả năng nhiễu sóng cao.
Năm 2005, EVN Telecom đã đầu tư 3.000 tỷ đồng để phát triển mạng thông tin di động CDMA. Thời điểm đó, nhiều thông tin cho rằng, mạng viễn thông này sẽ bỏ ra khoảng trên 600 triệu USD chủ yếu từ nguồn vốn của ngành điện để đầu tư.
Tổng kết thi đua khen thưởng giai đoạn 5 năm 2006-2010, EVN tự hào khẳng định: "Chất lượng dịch vụ EVN Telecom ngày càng tốt hơn, giá cả hợp lý với trên 4,6 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ."
Báo cáo cho hay: EVN đã đầu tư hệ thống viễn thông đồng bộ, gồm 5 loại phương tiện thông tin khác nhau: tải ba, vi ba, vô tuyến điện, cố định, di động. Được Chính phủ cho phép kinh doanh viễn thông công cộng, 5 năm qua, Tập đoàn đã có nhiều cố gắng tận dụng cơ sở vật chất hiện có kết hợp với đầu tư mở rộng, cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ này. Tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) của EVN được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện viễn thông và công nghệ thông tin tại Việt Nam năm 2009. EVN cũng đã triển khai đầu tư mạng 3G.
Thế nhưng, đến thời điểm này, người tiêu dùng gần như chẳng biết mấy đến thương hiệu EVN Telecom.
Năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạt hơn 2.000 tỉ đồng, lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của EVN Telecom lên đến 5,1 lần trong khi hệ số an toàn chỉ cho phép là 3 lần. Trong đó, nợ phải trả của đơn vị này là 7.760 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu là 1.586 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của EVN Telecom chỉ còn 31%.
Mức thua lỗ này đã khiến cho EVN Telecom rơi vào tình trạng không có khả năng cân đối toàn bộ chi phí vận hành, chi phí đầu tư mạng lưới, các khoản vốn và lãi vay cho các dự án đầu tư.
Lĩnh vực tai tiếng thua lỗ thứ hai của EVN là chứng khoán. Năm 2007, bốn đơn vị thuộc EVN đã tham gia góp vốn vào Công ty Cổ phần Chứng khoán Hà Thành (HASC), chiếm khoảng 16,5 % vốn điều lệ. Đến nay, trong cơ cấu cổ đông của HASC, các đơn vị điện lực nắm giữ 17,17% cổ phần. Trong đó, EVN giữ 5%, tương đương 750.000 cổ phiếu, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa 5%, Công ty Điện lực 3 giữ 4,5%, tương ứng 675.000 cổ phiếu và Công ty Điện lực Đà Nẵng 2,67% với 400.000 cổ phiếu.
Và giờ đây, nhắc đến HASC, các nhà đầu tư đều ngán ngẩm cho hay: Sắp phá sản! Hồi tháng 4, HASC làm nóng dư luận vì vụ lình xình cựu Chủ tịch HĐQT đã mất tích bí ẩn sau khi để lại khoản thâm hụt tới 100 tỷ đồng trong tài khoản. Tình hình khiến cho công ty chỉ còn cách siết nợ tài sản cá nhân của ông chủ tịch cũ này.
Trên sàn chứng khoán, HASC là trường hợp nặng nhất trong số 10 công ty chứng khoán yếu kém nhất. Công ty này đã bị Ủy ban Chứng khoán Việt Nam liệt vào danh sách kiểm soát đặc biệt và thời hạn cho HASC "hồi sức", đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính chỉ còn vài tháng nữa.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán chia sẻ: "Trong diện này, hoạt động nào của HASC cũng phải báo cáo thường xuyên tới Ủy ban Chứng khoán. Nếu không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính như nợ/vốn, nguy cơ HASC bị buộc phải rời sàn là rất cao. Trong bối cảnh chứng khoán xuống dốc này, vốn đã âm rồi thì công ty làm gì được để lấy lại được vốn?"
Ngân hàng, bất động sản mờ nhạt
Một lĩnh vực được cho là "khá khẩm" nhất khi kinh doanh ngành ngoài của EVN là ngân hàng. Năm 2005, EVN trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) nắm giữ 30% vốn điều lệ. Theo công bố hồi tháng 5 vừa qua, ngân hàng này vẫn lãi 189 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của ngân hàng này chỉ còn ở mức 7.000 đồng, thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng. Rủi ro cho EVN ở chỗ, ngành ngân hàng đang lao đao vì thiếu vốn, thiếu tính thanh khoản. Đặc biệt, các ngân hàng nhỏ đều đang đứng trước nỗi lo sát nhập theo đề án tái cấu trúc ngân hàng, với mục tiêu giảm 15-10% ngân hàng thương mại nhỏ. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, EVN cũng mong muốn tìm đối tác bán cổ phần tại Ngân hàng này nhưng vẫn chưa có kết quả.
Cũng trong ngành tài chính, EVN là trụ cột góp 40% vốn điều lệ cho ra đời Công ty CP Tài chính Tập đoàn Điện lực (EVNfinance) năm 2009. Ngoài ra, công ty này cũng có 8,4% vốn điều lệ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình và 1,8% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh đóng góp, cũng là các đơn vị "con" hoặc thuộc sở hữu của EVN.
Ở lĩnh vực bất động sản, đó là sự ra đời của Công ty bất động sản điện lực Sài Gòn Vina (EVN Land). Đây là sản phẩm của 4 đơn vị cổ đông chiến lược, ngoài EVN, còn có Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Công ty Điện lực 2 và Công ty Đầu tư và xây dựng Thanh niên Xung phong. Chưa kể, EVN còn có "chân" ở Công ty Cổ phần Bảo hiểm toàn cầu.
Có thể nói, EVN giống như hầu hết các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, một thời bung ra, đầu tư ngành ngoài nhằm thực hiện tham vọng trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành.
Tại thời điểm 2005-2007, Chính phủ vẫn chưa có quy định về giới hạn đầu tư ngành ngoài. Đây cũng là giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng mạnh, là thời kỳ hoàng kim của chứng khoán, ngân hàng và đại gia EVN đã không thể "đứng ngoài cuộc" của trào lưu đầu tư ô ạt, nhà nhà làm chứng khoán này.
Chỉ có một sự khác biệt là, những đơn vị như Tập đoàn Dầu khí đứng số 1 về đầu tư ngành ngoài, nhưng dvẫn có tăng trưởng lợi nhuận chung vẫn đạt 15- 20%, thu nhập trung bình hơn 16,7 triệu đồng/người/tháng, Tập đoàn Cao su đứng thứ 2 về đầu tư ngành ngoài, cũng có tỷ lệ lãi khoảng 15%.
Không kém cạnh 2 đại gia trên, EVN cũng "đoạt" ngôi thứ 3 về đầu tư ngành ngoài trên cả nước, vượt trên 18 Tập đoàn, Tổng công ty khác. Nhưng ngược lại, kinh doanh ngành chính lại yếu kém, lỗ hơn 30.000 tỷ đồng. Năm nào EVN cũng xin tăng giá điện vì lý do thiếu vốn đầu tư cho điện.
Tại cuộc họp về giá điện hồi tháng 4, lãnh đạo EVN cho rằng, số hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư ngành ngoài, chiếm chưa đến 3% vốn điều lệ là ít, vẫn là an toàn. Vị này khẳng định, EVN đã tuyệt đối không đầu tư thêm ngành ngoài nữa và sẽ tính chuyện thoái vốn ở những nơi chưa hiệu quả.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ việc EVN đầu tư kinh doanh ngành ngoài, đồng thời kiểm tra việc thực hiện phương án giá điện. Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cho phép các Tập đoàn Nhà nước đầu tư ra ngoài tới 30% vốn điều lệ liệu có quá nới lỏng, khi mà chỉ với 2,8% như EVN cũng đã khiến toàn dân bức xúc.