ODA và năng lực hạn chế
Trong khi cả hai bên đang rất nỗ lực để tăng thêm viện trợ ODA cho Việt Nam nhằm “gỡ nút thắt cổ chai về hạ tầng” và “kích thích kinh tế”, thì những nỗ lực đó lại bị chặn lại bởi thủ tục hành chính phức tạp, cũng như năng lực hạn chế của cấp thừa hành bên dưới.
Hệ quả là rõ. Chưa bao giờ việc giải ngân ODA chậm trễ - vốn là căn bệnh kinh niên - lại gây nhiều quan ngại như năm nay, năm mà Chính phủ đang rất cần tiền cho các chương trình kích cầu, cũng như để bù đắp lại thâm hụt cán cân thanh toán. Mới chỉ có 720 triệu USD vốn ODA được giải ngân trong năm tháng đầu năm nay, tương đương với 38% kế hoạch của cả năm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thứ trưởng bộ này, ông Cao Viết Sinh nói: “Ở cấp cao có tinh thần rất cương quyết thúc đẩy giải ngân. Tuy nhiên, đúng là bất cập khi các công trình chậm trễ”.
Nhưng, những “bất cập” đó mà đổ cho cấp dưới cũng là hơi oan khi xét đến nguyên nhân của nó. Một tài liệu chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ thẳng: lạm phát cao làm thiếu hụt vốn đối ứng cho công tác đền bù và tái định cư, quá trình phê duyệt dự án kéo dài, phê duyệt đấu thầu chậm, điều phối không tốt giữa Trung ương và địa phương,… - những nguyên nhân, không thể phủ nhận, là vấn đề của quản lý nhà nước.
Về phần mình, các nhà tài trợ đang đau đầu với những vấn đề này. WB là một ví dụ. Kể từ khi tái khởi động các chương trình hỗ trợ tài chính cho Việt Nam từ năm 1993, ngân hàng này đã trở thành nhà tài trợ lớn nhất với cam kết ODA trị giá tới 5,1 tỉ USD cho 42 dự án. Tuy vậy, các khoản vay này thật khó mà tiêu được. WB cho biết, có tới 3,8 tỉ USD là chưa giải ngân, trong khi 10 dự án là đặc biệt “có vấn đề”. Những dự án này thuộc các bộ như nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, giao thông, thông tin và truyền thông.
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi, một đoàn công tác cao cấp từ trụ sở chính của WB tại Washington đã đến Hà Nội cuối tuần trước để xem xét các dự án nói trên. Đây là điều đáng lưu tâm bởi WB đang có kế hoạch mở rộng hỗ trợ cho Việt Nam từ nguồn vốn lãi suất thương mại IDRG mà quy mô có thể lên tới hàng tỉ USD.
Trong cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đoàn công tác của WB đã nói thẳng, tình hình giải ngân quá chậm đang làm khó cho họ. Trưởng đại diện WB, bà Victoria Kwakwa, khẳng định: “Nếu tình hình không được cải thiện, thì chúng tôi không thể thực hiện ý định mở rộng hỗ trợ cho Việt Nam. Mọi người sẽ hỏi, hiện nay Việt Nam còn quá nhiều tiền chưa tiêu được, thì làm sao lại cho Việt Nam vay thêm, hay hỗ trợ tài chính thêm cho Việt Nam. Chúng tôi sẽ rất khó tìm ra lời giải trình cho cấp trên của chúng tôi”.
Đã có nhiều lời thanh minh từ phía Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Thuật: “Đúng là dự án nào của chúng tôi cũng chậm trễ, vì chúng tôi phải mất tới hai, ba năm để xây dựng bộ máy cho dự án”. Tuy vậy, ông Thuật nói thẳng, WB cũng rất lề mề: “Có những dự án mà chúng tôi gửi sang WB đến sáu tháng mà không có phản hồi. Rất mất thời gian”. Ông Sinh góp ý ngay: “WB cần rút kinh nghiệm. Nếu thấy hồ sơ dự án chưa đủ, thì phải gửi lại ngay cho phía Việt Nam, chứ để sáu tháng sau mới trả lời thì không ổn”.
Quả bóng đang nằm trên cả hai sân. Nhưng, bất chấp mọi giải thích, các khoản ODA vẫn đang giậm chân tại chỗ, gây lãng phí lớn và làm ảnh hưởng xấu. Các khoản vay này sẽ co lại đáng kể trong thời gian tới, khi Việt Nam đã đạt ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, với thu nhập đầu người 1.024 USD năm 2008.
* 10 dự án “có vấn đề”:
- Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Mekong (207,7 triệu USD): giải ngân được 2%, dù hơn 30% thời gian thực hiện trôi qua.
- Dự án an toàn đường bộ (31,7 triệu USD): giải ngân 10%, trong khi 86% thời gian thực hiện trôi qua.
- Giao thông đô thị Hà Nội (155,2 triệu USD): giải ngân 3%, trong khi 30% thời gian trôi qua.
- Môi trường và vệ sinh rác thải Tp.HCM (166,3 triệu USD): giải ngân 71%, trong khi 92% thời gian trôi qua.
- Phát triển nguồn cung cấp nước sạch (112,6 triệu USD): giải ngân 14%, gần 60% thời gian trôi qua.
- Hỗ trợ nguồn tài nguyên nước (157,8 triệu USD): giải ngân 20%, gần 70% thời gian thực hiện trôi qua.
- Quản lý nguy cơ thiên tai (86 triệu USD): giải ngân 46%, 80% thời gian trôi qua.
- Phát triển ngành lâm nghiệp (39,5 triệu USD): giải ngân 35%, 70% thời gian trôi qua.
- Cung cấp nước sạch và vệ sinh rác thải khu vực đồng bằng sông Hồng (45,9 triệu USD): giải ngân 21%, 60% thời gian trôi qua.
- Phát triển công nghệ thông tin (93,7 triệu USD): giải ngân 6%, hơn 60% thời gian trôi qua.