Phát triển hệ thống sản xuất lúa-tôm ở ĐBSCL
Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển hệ thống sản xuất lúa-tôm bền vững vùng ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long”, tổ chức ngày 26/9, tại tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết đây là bước khởi đầu cho việc tổng kết, nghiên cứu, trao đổi và định hướng phát triển một cách bền vững sản xuất lúa-tôm nước lợ.
Hội thảo cũng đặt vấn đề cho việc sản xuất lúa-tôm theo tiêu chí chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm (GAP) nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nông sản, cải tạo môi trường, phong phú và đa dạng các hình thức sản xuất lúa, ổn định thu nhập cho nông dân các tỉnh ven biển nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, những năm gần đây, hệ thống sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm trong cơ cấu sản xuất hàng năm tại 7 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (gồm các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang và Long An) phát triển khá mạnh với tổng diện tích trên 120.000ha; trong đó nhiều nhất là tại Kiên Giang với 60.000ha và thấp nhất là tỉnh Long An với khoảng 500ha.
Sau nhiều năm thực hiện, mô hình mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, khá hiệu quả và mang tính bền vững về môi trường. Sản xuất theo mô hình tôm-lúa còn góp phần tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao giá trị hàng hoá của tôm và lúa thương phẩm, ông Dư cũng cho biết thêm.
16 tham luận của các nhà khoa học trình bày tại hội thảo xoay quanh các nội dung như triển vọng của hệ thống canh tác lúa-tôm tại các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thực trạng hệ thống canh tác lúa-tôm và những vấn đề liên quan khác tác động đến mô hình.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giống lúa phù hợp với vùng đất nhiễm mặn, chống chịu sâu bệnh; nghiên cứu về giống sạch, nguồn giống tôm sú đủ cung cấp cho người nuôi, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc tôm cũng là những nội dung được nhiều bài tham luận đề cập đến.
Các ý kiến đều cho rằng, với thế mạnh đặc thù của vùng có diện tích bị ảnh hưởng mặn xâm nhập lớn, có điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích luân canh tôm-lúa lên trên 200.000ha trong những năm tới, 2 mô hình này sẽ hỗ trợ, tác động lẫn nhau như nuôi tôm tạo dinh dưỡng cho vụ lúa sau và ngược lại, cây lúa góp phần cải tạo ao vuông, hạn chế các loại bệnh cho con tôm.
Tuy nhiên, hiện việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng tôm-lúa ở các tỉnh trên vẫn còn hạn chế, thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao, chưa hấp dẫn so với các mô hình khác trong cùng địa bàn.