Phí hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho CN từ đâu
Một trong những vấn đề liên quan đến công nhân được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. “Công nhân vẫn còn thiếu thốn sân chơi, nhà nước vẫn còn thiếu những thiết chế đảm bảo xây dựng đời sống văn hóa tinh phong phú cho công nhân” là những vấn đề được chính những người thợ nêu lên với lãnh đạo TP trong những cuộc đối thoại vào Tháng Công nhân (Tháng Năm) vừa qua.
Như muối bỏ bể
Các KCX-KCN TP hiện có hơn 250.000 công nhân đang làm việc. Thời gian biểu một ngày của công nhân hiện nay là: Sáng đi làm đến chiều; nếu tăng ca thì đến tối. Về đến nhà thì đã mệt nhoài. Những thú vui giải trí của công nhân phổ biến nhất vẫn là xem tivi. Nhưng không phải xem những chương trình nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết mà là xem phim tình cảm lãng mạn Hàn Quốc, Đài Loan.
“Sách báo thì càng không có bởi công nhân không có tiền mua, mà cũng không có thời gian để đọc”- nhiều công nhân tâm sự. Thỉnh thoảng các tổ chức, đoàn thể tổ chức ca nhạc, chiếu phim… nhưng chỉ là muối bỏ bể. Điều công nhân cần là những hoạt động lành mạnh, bổ ích và thường xuyên. Đặc biệt, những hoạt động đó phải lấy phục vụ là chính bởi công nhân không có tiền để chi phí cho việc đó. “Tôi thấy ở các quận, huyện đều có Nhà văn hóa Lao động. Cuối tuần công nhân được tham gia các games show, được học tập ở những lớp dạy nghề ngắn hạn để phòng thân về sau. Những hoạt động này hầu hết là miễn phí. Tại sao các KCX-KCN đông công nhân như vậy mà lại không có nhiều nhà văn hóa dành cho công nhân?”- một công nhân ở khu nhà trọ Phường Tân Thuận Đông , quận 7- TPHCM bộc bạch.
Những điểm sáng
Trung tâm Sinh hoạt công nhân viên Tân Thuận, Trung tâm sinh hoạt công nhân KCN Hiệp Phước… là những mô hình hiếm hoi hiện nay. Tuy nhiên, để có được điều đó cũng còn tùy thuộc vào “hảo tâm” của các nhà đầu tư, các công ty hạ tầng. Cái khó khác là kinh phí để duy trì hoạt động. Nếu xem việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân là phúc lợi xã hội; là đền đáp lại những đóng góp của họ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố thì lãnh đạo, chính quyền TP và Ban Quản lý các KCX-KCN phải bàn bạc, đưa ra cơ chế, chính sách để chăm lo.
Nguồn phí lấy từ đâu? Xây dựng hạ tầng thì nên từ quỹ đầu tư của ngân sách TP cấp lại cho các KCX-KCN. Cũng có thể Nhà nước đầu tư ban đầu, một phần để kinh doanh, lấy thu bù chi; một phần dành cho hoạt động văn hóa, thể thao, học hành của công nhân. Nhưng điều quan trọng nhất là phải làm sao để khi các cơ sở văn hóa được xây dựng lên thì chủ yếu là phục vụ công nhân chứ không “biến tướng” thành cái gì khác.
Doanh nghiệp không đứng ngoài cuộc
Bên cạnh đó, không thể không nói đến vai trò của các doanh nghiệp. Không chỉ đến trung tâm văn hóa thì mới có hoạt động văn hóa mà bản thân doanh nghiệp phải chăm lo cho người lao động tại nơi làm việc của mình. Thư viện, phòng karaoke, chiếu phim, các câu lạc bộ đội nhóm, kỹ năng… hoàn toàn có thể hình thành tại doanh nghiệp.
Chi phí cho việc này không cao nhưng hiệu quả mà nó mang lại sẽ rất lớn: Giúp nâng cao nhận thức cho người lao động để họ hành xử đúng mực; song song đó, được thư giãn, vui chơi, tinh thần thoải mái, chắc chắn người lao động sẽ làm việc hăng hái, hiệu quả hơn. Có thể nói, không phải ai khác mà chính doanh nghiệp có trách nhiệm phải chăm lo cho công nhân của mình.