Quản lý chặt quy hoạch ngành Xi măng để cân đối cung-cầu
Ông Vũ Văn Hiệp – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới về tình hình thị trường xi măng trong bối cảnh kinh tế chung hiện nay.
Xin ông cho biết một số nét khái quát về thị trường xi măng nước ta trong 6 tháng vừa qua?
Ông Vũ Văn Hiệp: Trong bối cảnh kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành Xi măng đã tìm mọi biện pháp để thực hiện được kế hoạch năm 2009 như đã xây dựng.
Tận dụng những thuận lợi sẵn có và các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với doanh nghiệp nói chung, 6 tháng đầu năm tiêu thụ xi măng cả nước đã đạt trên 21,5 triệu tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2008. Người ta thường nói “Xi măng là bánh mỳ của ngành xây dựng”, ngành xi măng phát triển là hệ quả quả ngành xây dựng đã phát triển. Tôi nghĩ đây là một thông tin rất đáng mừng không những cho ngành xi măng nói riêng mà cho cả ngành xây dựng cơ bản nói chung.
Để có sản xuất tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế hiện nay là điều không hề đơn giản, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ tổng công ty đến các doanh nghiệp trên cả nước?
Để đạt được kết quả này, chúng tôi đã chủ động trong việc xây dựng ngân sách năm và kiên quyết bám vào chỉ tiêu này để thực hiện sản xuất.
Ngoài việc các đơn vị thành viên đã có tên tuổi, sản phẩm có thương hiệu trên thị trường và được tin dùng, chúng tôi đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các chi phí và cắt giảm những chi phí không cần thiết trong thời điểm này, giảm thời gian chạy lò và tồn kho… Tổng công ty cũng có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ các đơn vị thành viên cũng như khách hàng thân thuộc. Nhưng vấn đề quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh đó chính là các gói kích cầu của Chính phủ đã kịp thời và thực sự rất hiệu quả để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể đứng vững trong bối kinh tế suy giảm.
Để ngành Xi măng phát triển bền vững chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng quản lý quy hoạch ngành Xi măng cho thật tốt để chúng ta không có tình trạng đầu tư tràn lan dư thừa.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng thì so với nhu cầu xi măng hiện nay của Việt Nam là 40 triệu tấn/ năm, từ 2009, thị trường Việt Nam sẽ thừa hàng chục triệu tấn mỗi năm và có thể được xuất khẩu. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng xuất khẩu xi măng?
Chúng tôi đã bắt đầu xuất khẩu xi măng sang Campuchia, Lào và các tỉnh vùng biên Trung Quốc…Đồng thời tổ chức các bộ phận chuyên nghiên cứu và đánh giá các thị trường có thể xuất khẩu.
Nhưng theo đánh giá của nhiều nhà phân tích kinh tế thế giới thì chỉ nên xuất khẩu xi măng để giải quyết lượng dư thừa chứ không phải là kênh đem lại hiệu quả kinh tế, trong hầu hết các trường hợp, giá xuất khẩu xi măng chỉ bù đắp được chi phí biến đổi và chi phí vận tải, giá này không thể bù đắp được chi phí sản suất cố định, không nên mở rộng sản xuất để phục vụ xuất khẩu xi măng.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy để giải quyết thiếu hụt nguồn cung dễ hơn xử lý tình trạng dư thừa. Tôi cho đó là quy luật. Ví dụ, nếu chúng ta thiếu xi măng thì để đầu tư một dự án sản xuất xi măng thì sớm nhất chỉ sau 24 tháng chúng ta có thể có sản phẩm. Nhưng, nếu xi măng tồn đọng dư thừa thì sẽ là một bài toán khó và thậm chí sẽ phải bù rất nhiều thứ tiền như chi phí bến bãi, bảo quản…
Vậy Tổng công ty đã có kế hoạch gì để ổn định và giữ vững thị trường xi măng?
Để phát triển bền vững thị trường xi măng, xin chia sẻ là nhiều lúc cũng phải tự điều chỉnh trong Tổng công ty, các đơn vị có lãi thì gánh đỡ một chút cho đơn vị bị lỗ, có lúc phải cứu thị trường xi măng trên các địa bàn khác nhau. Ví dụ như thị trường xi măng Miền Nam vừa qua, chấp nhận bị lỗ để đưa xi măng từ phía Bắc vào kịp thời… thực ra không phải địa phương nào cũng thông cảm cho Tổng công ty về những vấn đề này.
Về lâu dài, chúng tôi đã chuẩn bị hạ tầng cơ sở. Hiện nay, Tổng công ty đang tập trung xin làm dự án đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa, đồng thời đầu tư vận tải, hiện chúng tôi đã có Công ty vận tải xi măng, chúng tôi đã đầu tư cả tàu biển để chuyên chở…
Tất nhiên 1 đơn vị thì không thể quán xuyến hết được việc vận tải hàng hóa nhưng chúng tôi ý thức rằng cần có một bộ phận mang tính chất dẫn dắt thị trường và tính chất đối kháng, còn lại mình vẫn phải khai thác năng lực xã hội, tôi cho rằng như vậy mới có thể kết hợp với nhau để xây dựng thị trường bền vững.