Quản lý lao động nước ngoài sao cho chặt?

Từ kết quả của cuộc họp này, ngành chức năng sẽ đưa ra các biện pháp như thế nào để kiểm soát dòng lao động phổ thông nước ngoài đang tràn vào nước ta?
 
“Chúng tôi không cho, nhưng tỉnh cứ xin đi, xin lại”
 
Ông Nguyễn Thanh Hoà, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ–TB&XH), người hoàn thành dự thảo nghị định 34/2008/NĐ-CP để trình Chính phủ phê chuẩn ban hành vào quý 3 năm ngoái, cho biết, khi ông bắt đầu nhận cương vị thứ trưởng, lúc đó nghị định 105/2003/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài vẫn còn hiệu lực.
 
Nghị định 105 nêu rõ, doanh nghiệp, tổ chức không được phép tuyển lao động quá 3% tổng số lao động đang làm việc. Nếu muốn tuyển dụng hơn số này, doanh nghiệp phải xin ý kiến của chủ tịch UBND tỉnh.
 
Thời điểm đó đã xảy ra chuyện một số nhà thầu nước ngoài manh nha đưa lao động phổ thông vào Việt Nam. Ông Hoà đã đi kiểm tra tình hình này tại tỉnh Quảng Ninh, và yêu cầu tỉnh phải hạn chế số lao động nước ngoài để dành cơ hội cho lao động trong nước.
 
Nhưng tỉnh lại xin được nhập số lao động này, vì trong hợp đồng với nhà thầu có thoả thuận rõ, phải cho nhà thầu nhập khẩu lao động. “Tỉnh xin đi, xin lại, cuối cùng chúng tôi đành phải cho”, ông Hoà thừa nhận.
 
Không chỉ Quảng Ninh, tại một số tỉnh, thành phố có các nhà thầu nước ngoài trúng thầu thực hiện các dự án xây dựng, ông Hoà kể, nếu không cho nhập khẩu lao động nước ngoài, các nhà thầu nói thẳng: tiến độ không đảm bảo, địa phương phải chịu! Thế là lãnh đạo địa phương phải chấp nhận, cho dù lao động tại địa phương đang thiếu việc làm nghiêm trọng.
 
Đến khi nghị định 34 được Chính phủ ban hành đã bỏ đi mức trần về tỷ lệ lao động nước ngoài, vì thực tế tỷ lệ này không có tác dụng. Bỏ đi cơ chế xin – cho, nghị định 34 yêu cầu người lao động nước ngoài muốn được vào làm việc từ ba tháng trở lên, họ phải được cấp giấy phép.
 
Một trong những điều kiện để được cấp phép là: lao động phải chứng minh là người có trình độ thông qua bằng cấp, chứng chỉ. Đây cũng là cơ sở để nhiều đại diện của bộ LĐ–TB&XH tuyên bố: lao động phổ thông không được phép vào nước ta làm việc!
 
Nhưng trong thực tế, do không còn phải xin phép và tỷ lệ trước đây cũng đã bãi bỏ, nên lao động phổ thông vẫn nhập cảnh vào qua đường du lịch. Họ cư trú và làm việc hợp pháp khi thời hạn visa vẫn còn. Cơ quan chức năng không có lý do để trục xuất số lao động này.
 
Giải pháp quản lý này cho thấy, thị trường lao động nước ta đang mở toang ra với lao động phổ thông nước ngoài, và kiểm soát dịch chuyển lao động có bằng cấp từ nước ngoài nhập cảnh vào làm việc.
 
Cần thay đổi cơ chế quản lý
 
Dư luận quan tâm và kỳ vọng ở cuộc họp liên ngành vào ngày 28.4 tới, chuyện gì sẽ được bàn thảo, một cơ chế quản lý mới sẽ được đề xuất, hay chỉ đơn thuần là lập hai đoàn kiểm tra về tình trạng sử dụng lao động nước ngoài tại các địa phương để báo cáo Thủ tướng?
 
Theo kinh nghiệm của nhiều nước, để kiểm soát lao động nước ngoài, hoặc đưa ra chính sách nhập khẩu lao động phù hợp, các nước thường có sự phối hợp liên ngành. Ông Hoà thừa nhận, hiện cơ chế phối hợp này, hầu như chưa được thực hiện.
 
Trước hết, đó phải là sự phối hợp giữa cơ quan xuất nhập cảnh và cơ quan cấp visa cho người lao động. Ông Nguyễn Mạnh Cường, vụ trưởng vụ Quan hệ lao động, chuyên gia về đàm phán các vấn đề lao động khi gia nhập WTO cho biết, người lao động khi nhập cảnh, các nước thường ghi rõ mục đích trong visa như: thăm thân nhân, du lịch, làm việc ngắn hạn hoặc dài hạn…
 
Ở nhiều nước, hệ thống visa chi tiết đến mức, nếu người lao động nhập cảnh vào làm việc trong ngành nông nghiệp, thì có loại visa lao động thời vụ ngành nông nghiệp. Nếu người lao động nhập cảnh diện visa này mà làm việc trong nhà máy, bị phát hiện, họ sẽ bị trục xuất.
 
Ông Cường cho rằng, khi hệ thống visa của nước ta chưa thể chi tiết được như vậy, ít nhất với những visa du lịch, thăm thân nhân… cần được đóng kèm dòng chữ: “không được làm việc” để cơ quan an ninh có cơ sở kiểm soát dòng nhập cư này.
 
Như vậy, vai trò của cơ quan lao động sẽ là cấp giấy phép lao động. Đây là một trong những điều kiện cơ bản để lao động nước ngoài hoàn chỉnh hồ sơ xin visa lao động để gia nhập thị trường lao động nước ta.
 
Sự phối hợp liên ngành sẽ được thể hiện ở những thông tin dự báo về thiếu hụt nhân lực trong từng ngành nghề, trình độ như thế nào để cơ quan an ninh căn cứ vào đó cấp visa lao động cho lao động nước ngoài, mà không ảnh hưởng tới tình trạng việc làm của lao động bản địa. Cùng với việc thay đổi tư duy về quản lý lao động nước ngoài theo hướng tăng cường phối hợp liên ngành, nghị định 34 cũng cần được sửa lại cho phù hợp.
 
Vấn đề di chuyển thể nhân trên thị trường dịch vụ, và di chuyển lao động trên thị trường lao động, là hai đối tượng điều chỉnh hoàn toàn khác nhau, gộp chung vào một nghị định như hiện nay, khiến cho nghị định này, không bao quát được dòng dịch chuyển thực sự của lao động nước ngoài trên thị trường lao động nước ta.