Quảng Ninh với chiến lược phát triển đột phá
Hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng làm rõ nét hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nhà đầu tư đã đến và triển khai nhiều dự án mang tính đột phá.
Chuyển động tích cực
Gần đây nhất, ngày 13/9, tại Hội nghị công bố quy hoạch chiến lược của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký biên bản ghi nhớ triển khai 4 dự án trong lĩnh vực du lịch, nhiệt điện, với tổng mức đầu tư dự kiến là 4,23 tỷ USD với các nhà đầu tư.
Đồng thời, 5 dự án khác cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh, có tổng mức đầu tư là 782,429 triệu USD.
Nhìn lại cả năm, các động thái tương tự được trải khá đều. Tại Hội nghị Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh diễn ra vào cuối tháng 6/2014, khoảng 1,5 tỷ USD của 4 dự án đã được cam kết giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương. Tỉnh cũng đã trao giấy chứng nhận đầu mới, điểu chỉnh tăng vốn đầu tư cho 4 dự án với tổng số vốn là 671,641 triệu USD.
Ngay cả dự án được xác định là có ý nghĩa vô cùng đặc biệt là Sân bay Vân Đồn cũng đã có những tín hiệu tích cực. Phải nhắc lại, hồi tháng 2/2014, quan điểm về dự án này vẫn là “việc lập Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh sẽ được xem xét sau khi Đặc khu kinh tế Vân Đồn được phê duyệt”.
Song, tại Hội thảo Khoa học quốc tế về “Phát triển đặc khu kinh tế, kinh nghiệm và cơ hội” được tổ chức hồi cuối tháng 3/2014, vấn đề được xác định với Vân Đồn là, phải có hạ tầng giao thông hoàn thiện và thuận lợi nhất. Tại Hội thảo này, thông điệp việc phải xây dựng ngay sân bay Vân Đồn đã được ông Phạm Minh Chính, Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Quảng Ninh đưa ra với giới đầu tư – kinh doanh theo hướng, đây là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của mô hình Đặc khu kinh tế Vân Đồn. Đồng thời, dự án này cũng được giới chuyên gia nghiên cứu đánh giá là phương án tối ưu nhất để tiết giảm chi phí đầu tư hạ tầng giao thông và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngay sau đó, nhà đầu tư Joinus Việt Nam cùng các đối tác đã được phép lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo hình thức BOT. Cũng trong tháng 3 đó, Joinus Việt Nam đã có cam kết về khoản tài chính khoảng 1,1 tỷ USD để đầu tư và để chuẩn bị cho giai đoạn đầu vận hành dự án.
Có thể thấy, năm 2014, Quảng Ninh đang đón nhận một làn sóng đầu tư mạnh mẽ. Những con số trong thu hút đầu tư FDI của 9 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm ngoái đã khẳng định nhận định trên.
Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá
Không gian kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới sẽ được tổ chức theo hướng: Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá. Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, mục tiêu này như một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các quy hoạch chiến lược của tỉnh.
Hạ Long (Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ) sẽ là tâm của sự phát triển, của các quy hoạch. Hai tuyến đa chiều là tuyến hành lang phía Tây và phía Đông. Hai mũi đột phá chính là Khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái.
Trong quy hoạch xây dựng vùng của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050, thì việc tổ chức không gian kinh tế - xã hội này đã được định hình cụ thể qua các hạng mục dự án đầu tư phân theo lĩnh vực cụ thể. Nhiều dự án đã được triển khai, hoàn thành hoặc nhà đầu tư đã ký cam kết thực hiện theo chiến lược này.
Tâm Hạ Long với định hướng là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, là trung tâm phát triển du lịch đang được dần hình thành bởi những dự án như Trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long của Vingroup (đã đưa vào hoạt động ngày 19/10 sau đúng 10 tháng thi công); Trung tâm thương mại - Khách sạn của Ocean Group; Khách sạn 5 sao Vine Group; Dự án xây dựng khu chung cư kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp tại khu trung tâm cột đồng hồ (Hạ Long) của Công ty cổ phần Đầu tư và Khách sạn MYWAY Hạ Long; Dự án xây dựng Khách sạn đạt chuẩn quốc tế 5 sao và khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia…
Hành lang phía Tây (Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều) với định hướng phát triển chuỗi đô thị và các ngành công nghiệp xanh dọc theo các tuyến đường từ Hạ Long đi Hà Nội, Hải Phòng cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư. Đó là Tập đoàn xi măng Hạnh Phúc (Đài Loan) với Dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái đảo Hoàng Tân (thị xã Quảng Yên), Tập đoàn Rent A Port (Bỉ) với Dự án Khu cảng và Khu công nghiệp tổng hợp tại xã Tiền Phong thuộc Khu công nghiệp – dịch vụ Đầm Nhà Mạc (Quảng Yên), Tập đoàn SE (Nhật) với Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp - dịch vụ Đầm nhà Mạc, Công ty cổ phần chế biến nông sản Đông Triều (liên doanh với Hàn Quốc) với Dự án Nhà máy chế biến nông sản và nông trại quản lý trực tiếp (Đông Triều)…
Hành lang phía Đông với việc tập trung phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái thành khu vực kinh tế cửa ngõ giữa Trung Quốc – ASEAN đang là điểm đến ưu tiên của Tập đoàn Texhong. Tập đoàn này đã đầu tư xây dựng thành công Nhà máy sợi tại Khu công nghiệp Hải Yên (Móng Cái) có vốn đầu tư hơn 300 triệu USD. Ngày mai, 15/11, Tập đoàn này sẽ chính thức động thổ hai dự án lớn nữa là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà giai đoạn I (huyện Hải Hà) và Dự án đầu tư xây dựng chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung có tổng vốn đầu tư hơn 515 triệu USD.
Ngoài ra, Tập đoàn này còn cam kết đầu tư xây dựng một nhà máy điện có công suất 2.000 MW tại Móng Cái. Bên cạnh đó, Tập đoàn AES (Mỹ) cũng đã cam kết triển khai Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện thứ 2 tại Quảng Ninh (khu vực phía Bắc tỉnh) của với công suất 1.200 MW (2 tỷ USD)…
Còn Khu kinh tế Vân Đồn trong hành lang phát triển phía Đông sẽ được đầu tư xây dựng trở thành Đặc khu kinh tế, với trọng tâm phát triển trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp, có dịch vụ tổng hợp về tài chính, ngân hàng, viễn thông, là cửa ngõ giao thương quốc tế. Nơi đây đang được Tập đoàn Đầu tư Việt Nga, Joinus Việt nam, Tập đoàn Tuần Châu, Tập đoàn Sun Group đặc biệt quan tâm nghiên cứu cho việc triển khai các dự án của mình.
Cũng theo quy hoạch, để tạo sự kiên kết giữa các tiểu vùng của tỉnh Quảng Ninh và kết nối với các địa phương khác, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đã được lập và đang kêu gọi đầu tư. Trong số 23 dự án đó, hiện có 4 dự án đang được triển khai (đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; đường dẫn, cầu Bắc Luân II và cầu Bắc Luân; đường bộ nối thị trấn Quảng Hà với Khu công nghiệp Texhong Hải Hà; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18, đoạn Đông Triều - Hạ Long).
“Những dự án còn lại nếu được triển khai, hoàn thiện thì sự hạn chế về giao thông trong mắt nhà đầu tư đối với Quảng Ninh sẽ không còn”, đại diện của Nikken Sekkei (Nhật Bản) – đơn vị lập Quy hoạch xây dựng chiến lược tỉnh Quảng Ninh khẳng định.
Và đây cũng là điều mong mỏi của các nhà đầu tư, như ông Đỗ Hùng Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển KCN Việt Hưng nói: “Hạ tầng giao thông đấu nối với khu công nghiệp hiện nay là kém, điều này đã làm cản bước chân nhà đầu tư đến Khu công nghiệp Việt Hưng. Nếu dự án đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái được nhanh chóng được khai thông, đó sẽ là động lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến đây”.
Thêm một tín hiệu khả quan đối với dự án này là, tháng 9 vừa, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam và đơn vị tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông - Vận tải đã có báo cáo cụ thể về phương án đầu tư dự án.
Như vậy, cùng với Tập đoàn Texhong, những tên tuổi lớn khác như Tập đoàn BIM Group, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn SE, Tập đoàn AES… và những dự án của họ khi được triển khai thành công tại Quảng Ninh sẽ là những minh chứng cụ thể nhất về tính khả thi của Quy hoạch chiến lược phát triển mà tỉnh Quảng Ninh đang theo đuổi.