REE tuyên bố rút khỏi dự án đầu tư xây dựng hai nhà máy sản xuất điện
CTCP cơ điện lạnh REE vừa tuyên bố rút khỏi dự án đầu tư xây dựng hai nhà máy sản xuất điện từ nguồn khí thải tại bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn và bãi rác Phước Hiệp 1, huyện Củ Chi, TPHCM. Tuyên bố của REE đã đẩy Công ty TNHH KMDK Vietnam (đồng chủ đầu tư dự án) vào thế khó.
Trước đây, nhà đầu tư Hàn Quốc này đã rất cố gắng mới kêu gọi được REE tham gia nhằm cứu vãn dự án áp dụng theo cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM) có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Sau nhiều năm gặp khó khăn về nguồn vốn triển khai dự án, ngày 14-3-2009, hai nhà máy sản xuất điện từ nguồn khí thải bãi rác với tổng công suất phát điện khoảng 42 triệu kWh/năm được khởi công tại 2 bãi rác do Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE và Công ty TNHH KMDK Việt Nam đồng làm chủ đầu tư dự án. Tổng vốn đầu tư cho dự án các nhà máy điện này khoảng 30 triệu đô la Mỹ, dự kiến sẽ hoàn thành sau 1 năm xây dựng, lượng điện sản xuất ra khoảng 42 triệu kWh/năm sẽ được hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia cung cấp cho gần 20 ngàn hộ.
Chiều 22-7, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc REE cho biết, sở dĩ bà quyết định rút khỏi dự án này là vì qua khảo sát mới nhất, lượng khí phát sinh tại 2 bãi rác này hiện không còn nhiều do các bãi rác đã đóng cửa từ lâu, dẫn đến hiệu quả kinh tế khai thác từ dự án sẽ không cao.
Bà Mai Thanh cho biết, REE đã gởi văn bản xin rút khỏi dự án này cho đối tác và UBND thành phố cách đây 2 tuần và đang chờ chấp thuận. Việc REE rút khỏi dự án đơn thuần chỉ vì lý do hiệu quả kinh tế và thủ tục triển khai chậm, chứ không hề có xích mích nào giữa REE và KMDK.
Theo ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên môi trường thành phố, cũng trong chiều nay 22-7, lãnh đạo sở đã họp bàn và quyết định chấp thuận cho REE rút khỏi dự án. Giải thích về lượng khí phát sinh tại hai bãi rác đã mất đi nhiều, ông Việt khẳng định rằng những khảo sát trước đây về lượng khí tại hai bãi rác có sai sót, hiện lượng khí thực tế tại bãi rác Đông Thạnh đã giảm khoảng trên 50%, còn lượng khí tại bãi Phước Hiệp 1 vẫn không thay đổi. “Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế lâu dài, đây vẫn là dự án CDM có khả năng sinh lợi cao. Sở Tài nguyên môi trường đang kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực cùng hợp tác với KMDK tiếp tục triển khai dự án này”, ông Việt nói.
Ngoài việc góp phần giúp thành phố tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng để xử lý ô nhiễm phát sinh từ bãi rác, dự án còn giúp thành phố thu một khoản tiền từ việc bán tín chỉ giảm phát thải (Certified Emission Reduction - CER) với dao động khoảng 12-15 euro một CER, tương đương 1 tấn khí CO2 quy đổi, số tiền bán tín chỉ giảm phát thải CER của dự án CDM này sẽ được chia theo tỷ lệ gồm 8 phần dành cho nhà đầu tư, 2 phần còn lại đưa vào ngân sách thành phố.