Rút giấy phép dự án 200 triệu đô la Mỹ của Foxconn
Theo nguồn tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 8-7, cơ quan này đã chính thức thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án trên của Công ty TNHH Công nghệ kỹ thuật cao Foxconn Việt Nam do Tập đoàn Foxconn đầu tư sau nhiều năm chậm triển khai.
Foxconn nhận giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án 200 triệu đô la Mỹ này từ đầu năm 2008 và lên kế hoạch sẽ hoàn thành việc xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động vào năm 2009. Tuy nhiên, kể từ khi nhận giấy phép đến nay, việc xây dựng nhà máy vẫn chưa được tiến hành và Foxconn cũng đã nhiều lần xin giãn tiến độ xây dựng nhà máy.
Thực tế chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã nhiều lần "đe" rút giấy phép đầu tư dự án này trước đó khá lâu và bây giờ mới chính thức.
Ngoài dự án trên tại địa phương này, Foxconn cũng có dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bình Xuyên II thông qua công ty con mang tên Fuchuan với vốn đầu tư 25 triệu đô la Mỹ. Việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp này cũng rất chậm và hiện nhà đầu tư cũng đã điều chỉnh quy mô dự án khu công nghiệp này từ 485 héc ta xuống còn gần 50 héc ta. Fuchuan đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng phần diện tích đã điều chỉnh của khu công nghiệp này và đã bắt đầu thu hút được các dự án đầu tư thứ cấp.
Phần diện tích còn lại, tỉnh Vĩnh Phúc đang kêu gọi nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) vào đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.
Vào cuối tháng 5 rồi, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Sumitomo cũng đã tổ chức Lễ ký Biên bản ghi nhớ về việc phát triển dự án Khu công nghiệp Thăng Long III trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, dự án Khu công nghiệp Thăng Long III này dự kiến có quy mô khoảng 300 héc ta, nằm tại khu vực huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm mục tiêu thu hút các nhà đầu tư thứ cấp của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư của dự án này dự kiến khoảng 135 triệu đô la Mỹ, trong đó giai đoạn I là 70,1 triệu đô la Mỹ, ước tính thời gian xây dựng giai đoạn I trong khoảng 1 – 1,5 năm sau khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư. Khi đi vào hoạt động, khu công nghiệp Thăng Long III dự kiến thu hút trên 80 nhà đầu tư thứ cấp đầu tư sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao như công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh phụ kiện điện tử, sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy… sẽ góp phần tăng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghệ cao, đồng thời giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 lao động trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc.
Hai khu công nghiệp Thăng Long I và Thăng Long II, Tập đoàn Sumitomo đã đầu tư tại Hà Nội và Hưng Yên trước đó.