Sẽ có nghị định quản lý ôsin

Sẽ có nghị định quản lý ôsin
 
Chị bạn tôi, một nữ nhà báo bận rộn với các kế hoạch bài vở và hai con nhỏ, quyết định thuê người giúp việc nhà. Nhưng rất nhiều người choáng váng khi năm ngoái chị đã đổi đến 8 người giúp việc. Người thì chậm chạp quá, người thì hay về quê, người thì bỗng nhiên đòi tăng lương… Dù “vất vả về đường giúp việc” nhưng chị vẫn phải phụ thuộc vào những người này, thỉnh thoảng thấy chị không ăn cơm trưa văn phòng, hỏi đi đâu lại bảo: đi đón người giúp việc mới.
 
Quan hệ dân sự hay quan hệ lao động?
 
Tất cả những người giúp việc nhà cho chị hầu hết do người quen giới thiệu, một số khác do chị tự tìm qua các văn phòng giới thiệu người giúp việc gia đình. Chị cho họ thôi việc cũng rất đơn giản như khi nhận họ vào làm việc, hoàn toàn thoả thuận miệng mà không có bất cứ văn bản ký kết nào giữa hai bên.
 
Từ cuối năm 2007, khi vụ việc em Nguyễn Thị Bình bị chủ đối xử tàn tệ diễn ra tại Hà Nội, rất nhiều người cho rằng, giúp việc gia đình thực chất là một nghề đặc thù được xã hội công nhận nhưng chưa được quản lý.
 
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội thừa nhận, lao động giúp việc gia đình như trường hợp em Bình hoàn toàn do thoả thuận giữa chủ và người làm thuê, không có giấy tờ, văn bản chứng minh sự thoả thuận ấy. Bởi vậy, việc quản lý đối tượng lao động đặc thù này là vô cùng khó khăn. Tại thời điểm đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa việc soạn thảo dự thảo nghị định quản lý đối tượng lao động này vào kế hoạch dự kiến ban hành các văn bản pháp luật năm 2008. Tuy nhiên, tới nay, dự thảo nghị định mới chính thức được bắt đầu.
 
Hiện tại, rất nhiều gia đình có nhu cầu nhận người giúp việc, quan hệ giữa chủ và người giúp việc gia đình hoàn toàn là quan hệ dân sự. Nhưng tới đây khi nghị định của Chính phủ về quản lý lao động giúp việc gia đình được ban hành, loại quan hệ này sẽ trở thành quan hệ lao động và được pháp luật lao động bảo vệ.
 
Quản lý thế nào?
 
Theo một đại diện từ ban soạn thảo, mục tiêu cao nhất khi xây dựng nghị định này là quản lý và bảo vệ lao động giúp việc gia đình, đưa mối quan hệ giữa chủ - người giúp việc vào hành lang pháp lý của pháp luật lao động.
 
Tuy nhiên để quan hệ chủ - người làm thuê trở thành quan hệ lao động, có bốn vấn đề cần phải đưa vào dự thảo nghị định, đó là quy định về những công việc được gọi là “việc gia đình”, thời giờ làm việc, tiền lương và quản lý nhà nước đối với dạng lao động này như thế nào. Đối chiếu với các quy định hiện hành về pháp luật lao động với công việc cụ thể của người giúp việc gia đình có sự chênh lệch rất lớn.
 
“Loại thoả thuận làm việc bằng miệng được pháp luật lao động thừa nhận và có thể có người làm chứng. Tuy nhiên, để đưa vào hành lang pháp lý nếu chỉ là thoả thuận miệng cũng sẽ rất khó quản lý”, thành viên ban soạn thảo cho biết.
 
Cụ thể, nếu quy định những công việc gì được gọi là việc gia đình, có thể trong thực tế phát sinh nhiều công việc cụ thể chi tiết không thể liệt kê hết. Những công việc này chủ yếu do thoả thuận giữa chủ và người làm thuê. Tiền lương hiện tại cũng dựa trên thoả thuận. Vấn đề quy định tiền lương cho người giúp việc gia đình cũng sẽ có vướng mắc.
 
“Hiện tại pháp luật lao động quy định người lao động chỉ làm việc tối đa 8 giờ/ngày, thời gian làm thêm được tính vào làm thêm giờ và chủ sử dụng lao động phải trả lương cao cho những giờ làm thêm. Áp dụng quy định đó đối với giúp việc gia đình có hợp lý không?”, một thành viên ban soạn thảo băn khoăn.
 
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cho thấy đang có rất nhiều các hình thức giúp việc gia đình khác nhau: làm việc theo ngày, theo giờ, theo tuần, theo tháng… nên quản lý các hình thức đa dạng này cũng tương đối khó. Để đáp ứng được tiêu chí bảo vệ người lao động chắc chắn các quy định về tiền lương, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, quy định về cho thôi việc, trả trợ cấp thôi việc… đúng như bộ luật Lao động cũng sẽ được quy định. Thậm chí muốn cho người giúp việc gia đình thôi việc cũng cần có lý do chính đáng. Đi kèm với các quy định này sẽ là các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm.