Sumitomo Osaka Cement vận hành nhà máy 5 tỷ yên
Với tổng vốn đầu tư 5 tỷ yên Nhật (tương đương 62,5 triệu USD), Nhà máy được xây dựng trên diện tích 56 ha, công suất 2.000 tấn/năm và có khả năng mở rộng lên đến 10.000 tấn/năm, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường.
Phát biểu nhân sự kiện này, ông Yoshihiko Sumitani, Tổng giám đốc SOC Việt Nam cho biết, mục tiêu của SOC là sẽ cung cấp sản phẩm này rộng khắp thế giới. “Nhà máy thử nghiệm với công suất nhỏ tại Nhật Bản không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của chúng tôi. Do đó, nhà máy mới tại Việt Nam sẽ là nền tảng vững chắc để chúng tôi mở rộng hoạt động sản xuất vật liệu cực dương cho pin sạc Lithium-ion trong khu vực và trên toàn thế giới”, ông Sumitani nói và cho biết, SOC đang có những điều kiện tốt nhất để khai thác nguồn nhân lực và nguyên liệu thô tại Việt Nam cho việc vận hành nhà máy.
Cùng với việc đưa nhà máy vào hoạt động, SOC cũng đã lên kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam, cũng như hợp tác chặt chẽ với các trường đại học tại Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Sản phẩm của SOC được coi là có hàm lượng công nghệ cao và được Việt Nam khuyến khích đầu tư.
Trước mắt, SOC sẽ cung cấp sản phẩm của nhà máy ở Việt Nam cho Eliiy Power (Nhật Bản), nhà sản xuất các loại pin Lithium hàng đầu Nhật Bản. Theo ông Sanada, đại diện Công ty Eliiy Power, hiện nay ở Nhật Bản, đặc biệt là sau thảm họa động đất, sóng thần hồi đầu năm ngoái, khi điện nguyên tử bị thiếu hụt, nhu cầu sử dụng các sản phẩm pin Lithium-ion loại lớn là rất cao. Và không chỉ ở Nhật Bản, các nước châu Âu và Mỹ cũng đã bắt đầu quan tâm phát triển loại pin này.
“Tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã khánh thành một nhà máy ở Kawasaki (Nhật Bản) và việc Sumitomo Osaka Cement đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất cực dương cho pin ở Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động của nhà máy chúng tôi”, ông Sanada nói và chia sẻ rằng, hiện nhà máy ở Nhật Bản của Eliiy Power đang hoạt động hết công suất. Eliiy Power cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy với quy mô lớn hơn.