Tái cơ cấu nông nghiệp để hút FDI
FDI từng “hẻo” vì gọi vốn kém
Ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến tháng 10/2014, cả nước còn 516 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp có hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD, chiếm 3% tổng số dự án và gần 1,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm mạnh so với 15 năm trước đây (chiếm 15%). Quy mô các dự án FDI nông nghiệp cũng rất nhỏ bé, chỉ 6,6 triệu USD/dự án, so với quy mô bình quân các dự án FDI là gần 15 triệu USD.
Không những thế, FDI vào nông nghiệp chỉ chủ yếu rót vào những lĩnh vực nhanh thu hồi vốn, như chế biến thức ăn chăn nuôi, trồng rừng, chế biến gỗ…, trong khi rất ít dự án FDI đổ vào lĩnh vực chế biến nông sản, trồng trọt, thủy sản. Các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp cũng chủ yếu đến từ các nước châu Á, như Thái Lan, Indonesia…, với công nghệ chưa thực sự cao.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, theo ông Nguyễn Nội, là do Việt Nam chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, phù hợp để thu hút FDI. Danh mục dự án gọi vốn chưa bao quát hết nhu cầu, thông tin về dự án còn sơ lược, thiếu chính xác.
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), các cơ chế ưu đãi đầu tư nông nghiệp đã có, nhưng chưa đủ sức hấp dẫn và còn thiếu những hướng dẫn cụ thể.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là nông nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực đầu tư đang “nóng” hiện nay. Thực tế cũng chứng minh, nhiều nước đã làm giàu từ nông nghiệp.
“Vốn trên thế giới đang ứ thừa, đây là cơ hội vàng để Việt Nam thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Vấn đề là Việt Nam có biết cách gọi vốn hay không”, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD cho biết.
Nông nghiệp tăng sức hút nhờ tái cơ cấu
Theo thông tin của TS. Đặng Kim Sơn, việc Việt Nam triển khai Đề án Tái cơ cấu nền nông nghiệp đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều tổ chức quốc tế và các tập đoàn, doanh nghiệp của nước ngoài. Nhiều nước đang coi Việt Nam là điểm đến mới để đầu tư vào nông nghiệp, do đó, nếu chuẩn bị tốt, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội vàng này. Địa phương nào làm sớm đề án tái cơ cấu, xác định thế mạnh của tỉnh và đưa ra được danh mục dự án kêu gọi đầu tư chính xác, cụ thể thì sẽ có nhiều lợi thế trong gọi vốn FDI.
Thực tế, thời gian gần đây, vốn FDI vào nông nghiệp đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, với hàng loạt dự án mới đầu tư vào nông nghiệp, trong đó tiêu biểu là các dự án FDI của Nhật Bản đầu tư tại Lâm Đồng, Mộc Châu…
Ông Matsuyama, Tổng giám đốc Ngân hàng Tokyo ở ViệtNam cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp hơn Nhật Bản, song hạ tầng và công nghệ còn yếu. Do đó, Việt Nam và Nhật Bản có thể áp dụng ý tưởng trang trại nông nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở vốn và công nghệ của Nhật Bản. Được biết, Ngân hàng Tokyo tại Việt Nam đang tài trợ vốn cho các doanh nghiệp FDI Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản.
Mới đây, Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) và UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký thỏa thuận hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo thỏa thuận này, KRC chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn ODA từ Hàn Quốc và các quỹ đa phương để cung cấp toàn bộ thiết bị, cơ giới hóa toàn bộ 20.000 ha đất lúa tại Đồng Tháp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lee Bong Hoon, Phó chủ tịch Tập đoàn KRC kỳ vọng, dự án PPP này được triển khai thành công sẽ hút vốn FDI Hàn Quốc đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp chế biến, bán máy móc, vật tư… tạo thành chuỗi sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Với dự án của KRC, các chuyên gia cho rằng, việc gọi vốn FDI vào ngành nông nghiệp là không khó, nếu các địa phương biết tìm ra được thế mạnh của mình và xây dựng được phương án tái cơ cấu khả thi để kêu gọi vốn. Làm được điều này, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, trước hết lãnh đạo địa phương phải có khát khao, quyết tâm đổi mới và đưa ra những quyết sách táo bạo để thu hút đầu tư với phương châm “chính sách ưu đãi nhất, cơ chế linh hoạt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất”, như tỉnh Đồng Tháp đang làm.
Được biết, để thu hút vốn đầu tư nông nghiệp nói chung và vốn FDI nói riêng, mới đây, trong đề án tái cơ cấu của mình, tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, như hỗ trợ 50% lãi suất cho hộ gia đình, cá nhân để thuê đất sản xuất nông nghiệp; ưu tiên cho vay và hỗ trợ 50% lãi suất chi phí san bằng mặt ruộng cho các hộ nông dân liên kết sản xuất; các doanh nghiệp đầu tư khoa học - công nghệ…
Với quyết tâm và những quyết sách ưu đãi đặc biệt, Đồng Tháp sẽ là đối thủ đáng gờm của nhiều tỉnh trong cả nước về thu hút FDI. Muốn không bị chậm chân, các địa phương phải sớm lên kế hoạch gọi vốn FDI cho mình.