Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với phát triển, mở rộng thị trường

Trên là yêu cầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt ra cho các Bộ, ngành liên quan.
 
Qua 3 năm thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013, tái cơ cấu nông nghiệp đã tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ ở tất cả các Bộ, ngành và địa phương liên quan; cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã có những chuyển biến theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị và qui mô; liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã được hình thành; đã xuất hiện các mô hình; duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của toàn ngành với tốc độ khá (tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất tăng trung bình 3,41%/năm). Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, trung bình đạt gần 29,5 tỷ USD/năm. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất tăng từ 57% năm 2010 lên 67,8% năm 2014. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.
 
Tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra và do nhiều nguyên nhân, tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại như: Triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành chưa đồng bộ, đồng đều ở các lĩnh vực, địa phương; việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao; các công ty nông lâm nghiệp đã được sắp xếp lại, nhưng chưa thể hiện rõ được hiệu quả...
 
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với việc phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế; gắn với các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, đặc biệt là Hiệp định thương mại TPP. Từ đó yêu cầu phải xây dựng được tiêu chuẩn sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; xác định các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế so sánh nhằm tạo ra sản phẩm có khối lượng lớn, chất lượng, giá trị cao, đảm bảo tiêu chuẩn của thị trường, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế (ở cả cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh); đồng thời phải đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa; gắn tái cấu trúc nông nghiệp với việc ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
 
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với phát triển kinh tế ngành, nghề ở nông thôn để tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân; giảm lao động trong nông nghiệp; tăng diện tích đất nông nghiệp trên đầu người, khuyến khích phát triển các ngành nghề phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác nhằm tạo việc làm cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao đời sống của người dân; đồng thời, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải bảo đảm tiết kiệm nguồn tài nguyên (đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước…) và bảo vệ môi trường.
 
Giải pháp đặt ra cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan là phải tiếp tục rà soát lại quy hoạch, cập nhật quy hoạch, lập mới các quy hoạch (quy hoạch tổng thể, vùng, ngành...) phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đồng thời quy hoạch phải đảm bảo với ứng phó biến đổi khí hậu; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; huy động vốn cho đầu tư sản xuất nông nghiệp gắn với hình thức đổi mới tổ chức sản xuất; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã; liên kết giữa các địa phương; liên kết giữa các vùng với nhau.
 
Các địa phương phải chủ động để xây dựng các mô hình sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, những sản phẩm có lợi thế riêng để xây dựng thương hiệu địa phương; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phong trào; mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cầu cả trên thị trường thế giới (thông qua các hiệp định thương mại: FTA, TPP) và thị trường nội địa; đổi mới đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp...