Tài nguyên viễn thông: Thu thuế hay thu phí?

Tài nguyên viễn thông: Thu thuế hay thu phí?
Sáng 28/9, mở đầu phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án luật này.
 
Đây là dự án luật đã được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, sau đó đã tiếp tục được gửi xin ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan.
 
Điều 41 của dự thảo luật quy định, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phí quyền hoạt động viễn thông theo một trong ba hình thức: nộp hàng năm theo tỷ lệ phần trăm doanh thu; nộp hàng năm theo mức cố định; nộp một lần theo mức cố định cho toàn bộ thời hạn của giấy phép.
 
Bên cạnh những ý kiến đề nghị thu thuế, nhiều vị đại biểu Quốc hội tuy nhất trí thu phí song vẫn còn băn khoăn ngoài khoản phí này doanh nghiệp viễn thông có đóng thuế thu nhập doanh nghiệp không?
 
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định nộp phí hàng năm theo tỷ lệ phần trăm doanh thu, vì dễ hiểu lầm là khoản nộp thuế doanh thu. Nên thực hiện việc nộp phí theo quy định của pháp lệnh về phí và lệ phí mà không nên quy định cụ thể trong luật này. Đã là phí thì không thể thu theo tỷ lệ phần trăm doanh thu, chỉ nộp một lần theo mức cố định.
 
Có ý kiến cho rằng dự thảo luật quy định quá nhiều loại phí viễn thông và đề nghị quy định cụ thể mức đóng góp của từng loại .
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không giống các dạng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên viễn thông bao gồm kho số viễn thông, tên miền Internet, phổ tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, đều là dạng vô hình, cần được đầu tư nghiên cứu rất lớn mới có thể đưa vào khai thác, sử dụng được.
 
Các nước trên thế giới cũng không áp dụng hình thức thu thuế đối với tài nguyên viễn thông. Do vậy, quy định về phí sử dụng tài nguyên viễn thông như trong dự thảo luật là phù hợp.
 
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì khoản thu này không cố định mà phụ thuộc phạm vi, quy mô, dịch vụ viễn thông, số lượng và giá trị tài nguyên viễn thông; mức độ sử dụng không gian….Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân bổ kho số viễn thông và tài nguyên internet hằng năm phải nộp phí sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên internet trên cơ sở số lượng, loại hình tài nguyên viễn thông được phân bổ. Bên cạnh quy định thu phí, một số nội dung khác của dự luật, tuy đã được chỉnh sửa song vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng quy định về chính sách của Nhà nước về viễn thông chưa rõ ràng, còn thể hiện tư tưởng bao cấp ở quy định về ưu tiên phát triển viễn thông. “Cần nói rõ là ưu tiên cái gì vì viễn thông là khái niệm rất lớn”, ông Thuận nhấn mạnh.
 
Liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về viễn thông, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng than phiền vì “luật nào cũng mệt mỏi với những quy định về thanh tra chuyên ngành, bất chấp Luật Thanh tra hiện hành”.
 
Bản tổng hợp ý kiến từ các đoàn đại biểu Quốc hội cũng đưa ra một số ý kiến nhận xét dự luật còn mang nặng tính luật khung, chưa chi tiết, chưa cụ thể, còn giao cho Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết quá nhiều vấn đề. Do vậy khi luật ban hành và có hiệu lực thi hành thì không áp dụng được ngay trong thực tiễn.
 
Dự án luật viễn thông sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ sáu, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2010.