Tăng giá xăng dầu: Lại một đợt tăng giá hàng hóa mới?
Sau 3 lần không chấp thuận phương án tăng giá bán lẻ xăng dầu, ngày 10/6, liên bộ Tài chính - Công Thương đã có công văn chấp thuận phương án tăng giá của các doanh nghiệp đầu mối, với mức tăng mạnh nhất trong nhiều tháng qua, 1.000 đồng/lít (kg).
Theo nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, mức tăng giá xăng dầu mới đã đến ngưỡng để các doanh nghiệp vận tải tính đến phương án tăng giá cước dịch vụ vận tải. Và giá vận tải tăng là một trong những điều kiện quyết định việc tăng giá của nhiều mặt hàng khác.
Nhà nước đã “lùi hết cỡ”, doanh nghiệp “chịu hết nổi”
Mức tăng giá này vượt quá quy định trong Thông tư 56 ngày 23/3 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, sử dụng, quyết toán quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo Điều 5 của thông tư này, doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá bán sau khi thực hiện chế độ đăng ký giá theo quy định hiện hành nhưng mức điều chỉnh tối đa cho từng lần không vượt quá 500 đồng/lít (kg).
Giải thích về việc này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nói: “Trước đây, quy định chỉ tăng không quá 500 đồng/lít là áp dụng trong trường hợp đã có quỹ bình ổn giá xăng dầu, khi đó, quỹ sẽ được lấy ra để bình ổn giá trong phạm vi tăng giảm chỉ 500 đồng/lít cho một lần điều chỉnh. Nhưng đến nay, quỹ này vẫn chưa được vận hành. Mặt hàng xăng chưa thu được đồng nào cho quỹ. Riêng dầu, vốn quỹ mới được hơn 80 tỷ đồng, số tiền này không đủ để tung ra bù lỗ và bình ổn giá xăng dầu”.
Bên cạnh đó, công văn chấp thuận việc tăng giá xăng dầu ngày 10/6 được ban hành chỉ 6 ngày sau khi có công văn của liên bộ đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu, và chỉ ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời bên hành lang kỳ họp Quốc hội rằng: “Bộ Tài chính không cho các doanh nghiệp tăng giá xăng không có nghĩa là để doanh nghiệp bị lỗ. Điều hành giá xăng dầu vẫn phải kiên trì đi theo cơ chế thị trường. Khi Nhà nước đã lùi hết cỡ rồi thì mới phải điều chỉnh tăng”.
Điều này có thể cho thấy, mức lùi của Nhà nước đến ngày 10/6 là đã đến giới hạn tận cùng. Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp vốn đã kêu lỗ từ nhiều tháng qua, với mức lỗ lên đến 1.000 - 2.000 đồng/lít (kg).
Ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định, vừa qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần từ chối các đề xuất tăng giá, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, theo dõi diễn biến thị trường thế giới để có hướng xử lý thoả đáng, đồng thời, với việc áp dụng phương án giảm thuế, chưa trích quỹ bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ giảm lỗ cho doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, tình trạng lỗ vẫn tiếp diễn, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Và lần tăng giá này cũng chỉ đủ để hoà vốn chứ chưa có lãi”, ông Thỏa khẳng định.
Thế nhưng, theo ông Vương Thái Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), việc tăng giá lần này cũng không đủ để bù lỗ cho doanh nghiệp mà chỉ giảm bớt một phần lỗ giá vốn hàng nhập khẩu của doanh nghiệp và với việc tăng giá lần này Petrolimex vẫn còn lỗ đến hơn 1.000 đồng/lít (kg).
Theo quy định, trong quá trình vận hành giá bán trong nước, khi giá thế giới có những biến động, trung bình 20-30 ngày, giá thế giới tăng cao mà doanh nghiệp đang lỗ thì sẽ có cân đối và có đề nghị với cơ quan quản lý nhà nước để điều chỉnh giá bán trong nước cho phù hợp.
Các doanh nghiệp cho biết rất cố gắng chấp hành theo quy định là mỗi lần tăng không quá 500 đồng/lít xăng, dầu, tuy nhiên, đã nhiều lần đề nghị nhưng cơ quan quản lý nhà nước không chấp nhận việc điều chỉnh giá, nên dẫn đến tình trạng lỗ của doanh nghiệp tích tụ ngày càng lớn.
“Rõ ràng việc điều chỉnh thêm 1.000 đồng/lít xăng, dầu lần này không phải do lỗi của doanh nghiệp,” ông Dũng nói.
Người tiêu dùng chóng mặt với giá cả
Như vậy, phản hồi của cơ quan chức năng và doanh nghiệp vẫn gây hoài nghi trong dư luận về việc doanh nghiệp đang thực lỗ hay lãi, và con số lỗ lãi là bao nhiêu vẫn là câu hỏi khó giải đáp.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn rất bức xúc với cách điều hành giá như hiện nay vì vừa nghe được quyết định chưa tăng giá xăng thì chỉ mấy ngày sau giá lại tăng vọt.
“Đúng là cách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước tạo cái khó cho doanh nghiệp, làm phức tạp tình hình thị trường thay vì chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là vận hành giá bán theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Thị trường thế giới tăng thì giá bán lẻ trong nước cũng phải tăng theo, và giảm cũng vậy. Vướng mắc hiện nay cho thấy cách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước đã tạo ra việc tăng giá xăng dầu đột biến, gây dư luận không tốt trong xã hội”, ông Dũng phàn nàn.
Ở một khía cạnh khác, người tiêu dùng lại phải chuẩn bị tâm lý trước một đợt tăng giá hàng hóa, dịch vụ có thể xảy ra. Bởi vì, với mức tăng giá xăng, dầu từ tháng 4 đến nay nhiều doanh nghiệp đang đứng trước những phương án tăng giá sản phẩm và dịch vụ của mình.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, giá xăng, dầu chiếm đến 40% chi phí của dịch vụ vận tải. Khi giá xăng tăng 2.500 đồng/lít, nghĩa là đã tăng hơn 20% so với thời điểm trước tháng 4. Giá dầu tăng 1.500 đồng/lít, nghĩa là đã tăng khoảng 15% so với thời điểm trước tháng 4. Do đó, mức tăng giá xăng lần này sẽ khiến chi phí cho dịch vụ vận tải bằng xăng tăng khoảng 10% và chi phí cho dịch vụ vận tải bằng dầu tăng khoảng 7%.
“Trước đây, các doanh nghiệp trong hiệp hội chúng tôi đều thống nhất, nếu xăng dầu tăng giá ở mức độ vừa phải, chúng tôi sẽ cố gắng giữ giá. Tuy nhiên, mức giá hiện nay đã là ngưỡng để nhiều doanh nghiệp phải tính toán đến phương án tăng giá dịch vụ vận tải. Còn chuyện khi nào các doanh nghiệp tăng giá sẽ do các doanh nghiệp tự quyết”, ông Hùng cho biết.