Tham nhũng gây nên sự đói nghèo ở các nước giàu khoáng sản
Đó là lời cảnh báo của ông Staffan Herstrom - Đại sứ Thụy Điển (nước điều phối các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế trong chương trình Đối thoại Chống tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản diễn ra sáng nay, 25/5).
Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Nguyễn Đình Phách thẳng thắn đánh giá, khoáng sản là tài nguyên không tái sinh, đóng góp nguồn thu quan trọng, ngày càng tăng trong GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh tham nhũng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, đời sống cộng đồng… đang là vấn đề bức xúc do việc quản lý nhiều yếu kém.
Nói về những tồn tại trong công tác quản lý, Cục phó Cục Địa chất và khoáng sản (Bộ TN&MT) Trịnh Xuân Bền xác nhận, việc cấp phép hoạt động khoáng sản nặng cơ chế xin - cho dẫn đến tình trạng đầu cơ, hạn chế nguồn thu cho ngân sách.
Nội dung phân cấp thẩm quyền cấp phép khai khoáng chưa hợp lý dẫn tới việc trong vòng 4 năm (2005-2009), các địa phương đã cấp tổng cộng 4.000 giấy phép, gấp 10 lần số lượng giấy phép do TƯ cấp trong phạm vi cả nước.
Việc gia hạn, cho phép doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản thô trong thời gian vừa qua dẫn tới tình trạng một số doanh nghiệp có tư tưởng ỷ lại vào nhà nước, không chịu đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu, lãng phí, hệ số thu hồi khoáng sản thấp.
Hoạt động chuyển nhượng quyền khai thác đem lại nguồn thu đáng kể cho doanh nghiệp nhưng nhà nước chưa thu được khoản phí hoặc thuế nào, dẫn tới thất thu ngân sách, tình trạng đầu cơ, chuyển nhượng giấy phép khai khoáng như hình thức mua đi bán lại chưa có cơ chế ngăn chặn.
“Thực tế, chỉ khi có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí mới phát hiện được sai phạm trong công tác quản lý khoáng sản tại các địa phương, doanh nghiệp” - ông Bền thừa nhận.
Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công thương Lê Khắc Thọ “kê” những sai phạm phát hiện trong lĩnh vực khai thác than. Quý I năm nay, Tập đoàn Than - Khoáng sản TKV đã xử lý 417 điểm than khai thác trái phép. Riêng trên địa bàn thành phố Hạ Long đã triệt phá trên 100 lò khai thác, điểm thu gom than trái phép, thu giữ hàng chục phương tiện, gần 1.000 tấn than các loại, xử phạt hành chính trên 700 triệu đồng. Một số hành vi tham nhũng đã bị tố giác, khởi tố điều tra như vụ một số cán bộ Cty Than Quang Hanh lập chứng từ khống thanh toán, vụ khai thác trái phép tại mỏ than Mạo Khê tết 2010, vụ gian lận chất lượng than tiêu thụ tại Cty kho vận Hòn Gai…
Hậu quả nhãn tiền “lời nguyền của khoáng sản”
Những con số trên cảnh báo rằng quốc gia sở hữu nhiều tài nguyên khoáng sản không hẳn đã là một quốc gia thịnh vượng. Sự giàu có về khoáng sản không hoàn toàn giúp cho một đất nước ít nghèo hơn và có phúc lợi tốt cho mọi công dân.
“Hiện tượng này đã được giải thích là “lời nguyền của khoáng sản” hay nói đúng hơn là “nghịch lý của sự trù phú”. Tham nhũng là yếu tố cơ bản lý giải cho nghịch lý này” - đại sứ Herstrom chốt lại.
Hậu quả nhãn tiền của tham nhũng, tiêu cực, theo đại sứ Thụy Điển, có thể thấy trong lĩnh vực quản lý, khai thác than. Tỷ lệ thất thoát cao khiến một nước mạnh về than như Việt Nam sẽ phải nhập than vào năm 2012 cho tiêu thụ trong nước.
Nhóm Tư vấn khuyến nghị thông điệp 2 nội dung “tính minh bạch và trách nhiệm giải trình” được trông chờ là một phương thuốc loại bỏ cội rễ tham nhũng. Minh bạch trong quản lý nguồn thu từ khoáng sản. Minh bạch trong đấu thầu và cấp khép khai khoáng để tránh sự đặc quyền đặc lợi. Sau nữa, cán bộ công chức tham nhũng, doanh nghiệp tham nhũng phải chịu trách nhiệm giải trình về hành vi của mình
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền hy vọng qua cuộc đối thoại lần thứ 9 này với các nhà tài trợ, Việt Nam sẽ tìm ra được giải pháp và đặc biệt là cơ chế giám sát, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Việt Nam hoan nghênh sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; lắng nghe những quan điểm tiếp cận của các nhà tài trợ; lắng nghe để rút kinh nghiệm quản lý từ một số quốc gia khác. Ông Truyền khẳng định: "Nếu như có đối tác nhiều kinh nghiệm, giúp chúng ta làm quy hoạch kể cả hợp tác đầu tư thì chính phủ sẽ có chính sách thu hút".