Thận trọng khi ký hợp đồng bán hàng trả chậm
Những rủi ro pháp lý, tài chính đáng tiếc liên quan tới hai đơn vị nói trên bắt đầu từ việc ông Dương Quốc Kỳ, Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Dầu khí miền Nam (đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu hàng không) ký hợp đồng mua bán xăng dầu số 25/2012/UT– Hyundai ngày 23/3/2012 với Công ty TNHH điện tử Hyundai do ông Phạm Ngọc Nam làm giám đốc. Theo đó, Xí nghiệp đồng ý bán dầu DO trả chậm cho Công ty điện tử Hyundai trong thời gian 15 ngày, hạn mức dư nợ tối đa là 20 tỷ đồng với điều kiện có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Đây là hợp đồng khung, có giá trị đến ngày 31/12/2012.
Để đáp ứng yêu cầu của Xí nghiệp, ngày 28/3/2012, ông Lê Quý Hiển, Giám đốc Ngân hàng HDBank Chi nhánh Thăng Long đã ký phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán số 2803/12/BL –HDB013 với hạn mức 20 tỷ đồng để bảo lãnh cho Công ty điện tử Hyundai có đủ cơ sở thực hiện hợp đồng. Kết quả là, từ ngày 17/4/2012 – 20/4/2012, Xí nghiệp đã xuất bán cho Công ty điện tử Hyundai 955 m3 dầu DO trị giá 19,99 tỷ đồng. Công ty Hyundai đã chuyển trả cho Xí nghiệp 9,4 tỷ đồng và nợ 10.567.772.204 đồng.
Đến hạn mà không thấy đối tác thanh toán nợ, nên ngày 9/5/2012, Xí nghiệp đã có công văn số 143/DKHKMN-TCKT gửi Ngân hàng HDBank Hội sở đề nghị thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Ngày 14/5/2012, HD Bank có công văn số 399/2012/CV-TGĐ trả lời Xí nghiệp rằng, việc phát hành chứng thư bảo lãnh của ông Lê Quý Hiển, Giám đốc HDBank Chi nhánh Thăng Long là sai quy định (vì vượt quá thẩm quyền). Với lý do trên, HDBank khẳng định, ngân hàng này không chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ 10.567.772.204 đồng của Công ty điện tử Hyundai với Xí nghiệp. Như vậy, vào thời điểm 14/5/2012, cùng với việc chứng thư bảo lãnh số 2803/12/BL-HDB013 bị vô hiệu hoá, Xí nghiệp đứng trước rủi ro sẽ có thể không thu hồi được số tiền là 10.567.772.204 đồng.
Theo điều tra của phóng viên Báo Đầu tư, sự việc trở nên phức tạp hơn, khi thương vụ này bắt đầu xuất hiện thêm một bên thứ ba là Công ty TNHH Thương mại vận tải Tấn Phát (TP.HCM).
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty Tấn Phát, để không phải chịu trách nhiệm về việc thiệt hại 10.567.772.204 đồng, ông Kỳ đã lừa Công ty Tấn Phát chuyển tiền vào để bù khoản tiền thiệt hại trên.
Đại diện Công ty Tấn Phát cho rằng, do biết Công ty Tấn Phát có nhu cầu mua xăng dầu, nên ông Kỳ đã hướng dẫn doanh nghiệp này cách thức mua bán khá lòng vòng. Cụ thể, Công ty Tấn Phát ký hợp đồng, chuyển tiền cho Công ty điện tử Hyundai, từ đó Công ty điện tử Hyundai chuyển tiền cho Xí nghiệp, sau khi Xí nghiệp nhận được tiền được chuyển theo cách lòng vòng đó sẽ xuất hàng cho đại diện Công ty Tấn Phát đến nhận.
Thực hiện cách thức mua bán nói trên, ngày 8/6/2012, Công ty Tấn Phát chuyển số tiền 11 tỷ đồng cho Công ty điện tử Hyundai qua Ngân hàng Sacombank. Buổi chiều cùng ngày, Công ty Hyundai chuyển số tiền 10.567.772.204 đồng vào tài khoản Xí nghiệp qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thăng Long. 7 ngày sau, Xí nghiệp chuyển số tiền trên vào tài khoản Công ty mẹ là Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Hàng không.
Ngày 11/6/2012, ông Kỳ thông báo cho Công ty Tấn Phát rằng, do chứng thư bảo lãnh của HD Bank Chi nhánh Thăng Long không đúng pháp luật nên không giao hàng. Mặt khác, ông Kỳ cho rằng, số tiền 10.567.772.204 đồng nhận ngày 8/6/2012 từ Công ty điện tử Hyundai là số tiền trả nợ cho đợt mua dầu DO trước và từ chối giao hàng cũng như hoàn lại tiền cho Công ty Tấn Phát.
Đại diện Công ty Tấn Phát cho rằng, dù biết chứng thư bảo lãnh của HDBank không có giá trị, nhưng sợ trách nhiệm về khoản nợ của Công ty điện tử Hyundai không có khả năng thu hồi, nên ông Kỳ đã lừa Công ty Tấn Phát chuyển tiền vào tài khoản Xí nghiệp để chiếm giữ bất hợp pháp để bù đắp cho khoản nợ quá hạn.
Trong khi đó, ông Kỳ cho rằng, khoản tiền 10.567.772.204 đồng mà Công ty điện tử Hyundai chuyển vào tài khoản Xí nghiệp ngày 8/6/2012 là số tiền phía Công ty điện tử Hyundai có trách nhiệm phải thanh toán tiền mua hàng trước đó, bởi lẽ, dựa vào chứng từ (của ngân hàng) sau khi nhận được khoản thanh toán trên, Xí nghiệp đã hạch toán giảm công nợ của Công ty Hyundai.
Đại diện Xí nghiệp cho biết thêm, ngày 25/6/2012, Xí nghiệp đã nhận được công văn từ Công ty điện tử Hyundai về việc xác nhận công nợ số 185/HD-CV ngày 25/06/2012 do Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Thuỷ ký. Công văn này khẳng định, khoản tiền 10.567.772.204 đồng do Công ty điện tử Hyundai chuyển không phải khoản tiền Công ty thanh toán nợ cũ, mà là tiền của Công ty Tấn Phát chuyển để uỷ thác qua Công ty điện tử Hyundai để đặt mua lô hàng của Xí nghiệp. Tuy nhiên, Xí nghiệp tiếp tục bảo lưu quan điểm là: Xí nghiệp đã bán dầu DO cho Công ty điện tử Hyundai với tổng giá trị là 19.984.100.000 đồng và Công ty điện tử Hyundai đã thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng trên. Hay nói cách khác, Xí nghiệp đã xuất ra một lô hàng và thu về số tiền đúng bằng giá trị lô hàng trên.