Thị trường bất động sản “đông cứng” vì... thuế
Khảo sát các “chợ” địa ốc tại những địa bàn lâu nay thường nóng của TP.HCM như quận 2, 7, 9… chúng tôi nhận thấy, từ khi chủ trương trên có hiệu lực (ngày 26.9), thị trường trở nên “đông cứng”.
Các điểm “nóng” cũng nguội lạnh
Ông Ngô Xuân Lộc, phó giám đốc công ty bất động sản Vinaland nói: “Ngay khi có thông tin bộ Tài chính sẽ đánh thuế đối với hình thức bán “lúa non”, thị trường địa ốc hầu như chỉ có người rao bán mà không có người mua. Nay thì hoạt động mua bán, ký gửi tại các sàn gần như đình trệ hoàn toàn”.
Ngay như dự án Him Lam – kênh Tẻ – một trong những dự án “điểm” của khu nam TP.HCM – trước đây trung bình mỗi tuần cũng có khoảng 10 giao dịch thành công, nay cũng gần như không có giao dịch nào được thực hiện trong hơn một tuần qua. Tại dự án Cotec Phú Xuân (huyện Nhà Bè), nếu trước đó mỗi tuần có khoảng 4 – 5 giao dịch thành công, thì từ hơn một tuần nay không có giao dịch nào được thực hiện.
Trái hẳn với dự báo của các chuyên gia bất động sản, khi quy định trên có hiệu lực sẽ khiến giá nhà, đất tăng khoảng 2% để bù vào khoản thuế phải đóng, hiện nay giá nhà đất ở khu vực quận 2, 9, 7 có biên độ dao động bằng 0. Thậm chí, một số dự án ở Nhà Bè giảm khoảng 10% so với trước đây. Cụ thể, tại dự án Phú Xuân, một nhà đầu tư sau một thời gian dài rao bán khoảng 8 triệu đồng/m2, nay chấp nhận giảm còn khoảng 6,5 triệu đồng/m2… vẫn chưa bán được.
Thực tế tại một số giao dịch, người bán thương lượng để có thể tăng giá thêm 2% nhằm bù cho việc đóng thuế nhưng người mua… không chịu. Giải thích về hiện tượng này, một số công ty bất động sản và nhà đầu tư cho rằng do người mua lại đang chờ đợi diễn biến của thị trường rồi mới quyết định.
Khó thu được thuế
Bà Trần Thị Lệ Nga, trưởng phòng tuyên truyền và hỗ trợ thuế TNCN (cục Thuế TP.HCM) cho hay, ngày 5.10, cục Thuế đã làm việc với chi cục Thuế 24 quận huyện trên địa bàn. Theo đó, nhiều địa phương như huyện Nhà Bè, quận Thủ Đức, Bình Tân, 2, 7, 9… cho biết đã có nhiều hồ sơ liên quan đến hợp đồng góp vốn được tiếp nhận để tính thuế TNCN.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Minh, chi cục trưởng chi cục Thuế huyện Nhà Bè, địa phương đã nhận được gần 20 hồ sơ liên quan đến vấn đề này, song đến nay chưa thu được thuế của hồ sơ nào. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Minh, là do hầu hết những hồ sơ nộp về chi cục đều không có hợp đồng góp vốn gốc mà chỉ có phụ lục hợp đồng. Điều này khiến cho việc xác định giá gốc để tính thuế 25% không thực hiện được. “Có nhiều người mua cách nay rất lâu, chuyển nhượng qua tay nhiều người nhưng lại không có hợp đồng gốc, nên không có cơ sở để tính thuế theo đúng quy định. Do không có hợp đồng gốc nên người dân không chứng minh được giá đầu vào”, ông Minh nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Minh, hầu hết những hồ sơ khi nộp về chi cục Thuế đều khai rất nhiều chi phí phát sinh. Thế nhưng, khi kiểm tra cụ thể thì người dân không có hoá đơn chứng từ chứng minh chi phí phát sinh đó là hợp lệ nên không thể khấu trừ thuế.
Trong khi đó, tại chi cục Thuế quận Thủ Đức, mặc dù đã có khoảng 10 hồ sơ nộp về, song ngành thuế vẫn chưa thu được trường hợp nào. “Nguyên nhân do giá ghi trong hợp đồng góp vốn bằng với giá chuyển nhượng”, bà Dung, cán bộ phụ trách thuế TNCN của quận Thủ Đức, lý giải. Mặt khác, phần lớn hồ sơ của doanh nghiệp nộp về đều không đúng với quy định nên đã phải trả về để họ bổ sung thông tin mới có thể tính thuế.
Ở khía cạnh khác, bà Nga nhận định: “Đa số những người có nhu cầu mua – bán nhà đất đều đã cố gắng làm hồ sơ trước ngày 26.9 để né thuế TNCN. Chính vì vậy, hiện có rất ít hồ sơ liên quan đến vấn đề này nộp về các chi cục thuế”.
Còn theo ông Phạm Văn Hải, tổng giám đốc công ty cổ phần địa ốc ACBR, nhà nước sẽ khó thu đủ thuế từ trường hợp này do các doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ tìm mọi cách để “né” thuế. Ông nói: “Có thể các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ bắt tay nhau, chờ cho đến khi ra sổ đỏ để chỉ phải nộp 2% thuế”.