Thị trường lình xình theo túi tiền nhà đầu tư
Sau thời gian mang lại lợi nhuận, một phần dòng tiền chứng khoán có xu hướng dịch chuyển sang bất động sản và tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn ngắn. Điều này thể hiện ở thị trường nhà đất nóng cục bộ trong cuối tháng 5, đầu tháng 6, đồng thời lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn ngắn và không kỳ hạn của một số ngân hàng dâng lên. Thanh khoản của thị trường chứng khoán 3 tuần gần đây cũng sụt mạnh, với khối lượng và giá trị giao dịch trung bình giảm trên 30% so với tháng 5 và đầu tháng 6.
Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Phân tích Công ty quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF), cho rằng, trong thời gian tới, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm sẽ là lực đỡ cho thị trường. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm được dự báo khả quan, trong đó quý II có khả năng tốt hơn quý I.
Đáng chú ý là phần nhiều trong số công ty niêm yết thuộc diện được hưởng lợi từ gói kích cầu, bao gồm các doanh nghiệp xây dựng - bất động sản, và ngành ngân hàng, tài chính. Theo thống kê của SHF, vốn hóa của các doanh nghiệp này chiếm đến 80% vốn hóa thị trường, vì thế có vai trò lớn đến biến động của Vn-Index. Yếu tố lợi nhuận ít có khả năng tạo nên đột phá, nhưng sẽ "giữ lửa" cho thị trường trong thời gian tới, ông Minh nhận định.
Về mặt dài hạn, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam có chiều hướng được cải thiện, báo hiệu sự phục hồi kinh tế. GDP trong quý II đã tăng 4,5%, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm lên 3,9%. Sản xuất công nghiệp cũng duy trì mức tăng khá trong 4 tháng trở lại đây.
Song tác động nhiều nhất đến thị trường chứng khoán thời gian này vẫn là thanh khoản. Những nhà đầu tư "bám sàn" cho biết, tháng 3 và 4 là thời điểm sử dụng đòn bẩy tài chính thuận lợi nhất, bởi ngưỡng điểm của Vn-Index còn thấp và dễ dàng sử dụng tín dụng để đầu tư chứng khoán. Ở thời điểm hiện nay, thị trường khó có khả năng chứng kiến những phiên giao dịch 4.000-5.000 tỷ đồng như hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6. Thay vào đó, thanh khoản của thị trường ổn định hơn với các phiên giao dịch có giá trị 1.000-2.000 tỷ đồng.
Một yếu tố được đánh giá sẽ tác động đến thị trường trong thời gian tới là việc trên 121 triệu cổ phiếu Vietinbank dự kiến chào sàn trong tháng 7. Với khối lượng niêm yết lớn, nguồn cung cổ phiếu Vietinbank có thể làm phân tán nguồn tiền, vốn đã thu hẹp trong thời gian gần đây.
Trong vòng 7 phiên sau khi chào sàn, VCB chỉ tăng trần trong 2 phiên đầu và bị bán mạnh trong những phiên sau đó. Nhưng lực bán VCB còn được hạn chế, bởi phần lớn nhà đầu tư, cả những người trúng thầu và gom trên thị trường OTC, đều mua với giá cao. Vì lý do này, họ không dễ dàng chấp nhận bán với giá thấp.
Song với cổ phiếu Vietinbank lại khác. Với giá đấu thành công bình quân 20.265 đồng, trong khi giá chào sàn được lãnh đạo ngân hàng này tuyên bố không dưới 50.000 đồng, khả năng chốt lời của giới đầu tư là rất lớn, ngay cả khi cổ phiếu này giảm điểm ngay trong những ngày đầu giao dịch.
Trong khi đó, theo một báo cáo mới công bố của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), với mức P/E của thị trường hiện nay vào khoảng 13,5x, cổ phiếu trên thị trường Việt Nam chưa được nhà đầu tư tổ chức đánh giá hấp dẫn để mua vào.
Theo nhận định của SSI, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá hợp lý để thúc đẩy sức cầu quay lại, với cả kỳ vọng ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, 400 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của Vn-Index và sự phân hóa sẽ tiếp tục do tác động của kết quả kinh doanh quý II. Về mặt kỹ thuật, các ngưỡng hỗ trợ 425-437 điểm và kháng cự 449-472 sẽ rất quan trọng, và bất cứ một sự bứt phá ra khỏi hai vùng này đều tạo ra sự đảo chiều của xu hướng trong ngắn hạn. Song chỉ báo dòng tiền MFI cũng đang liên tục sụt giảm, cho thấy sức cầu vào thị trường bị giảm mạnh.
Song việc thị trường lình xình trong khoảng 400-500 điểm như hiện nay được nhận định là một diễn biến tích cực. Bởi diễn biến này sẽ giữ cho thị trường một thời gian tích lũy để có đà tăng trong trung hạn.