Thông quan nhanh một ngày, doanh nghiệp tiết kiệm được cả tỷ USD
Được lấy làm ví dụ tốt tại Hội thảo triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, diễn ra ngày 18/6 tại Hà Nội, ngành tài chính với đại diện là Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng chia sẻ bản thân lãnh đạo ngành cũng thấy rõ kết quả mà nhưng nỗ lực của mình mang lại.
"Theo tính toán của ngành, nếu thời gian thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu rút ngắn được một ngày, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng một tỷ USD...", vị này dẫn chứng. Ông Tuấn cho biết để thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 19, lãnh đạo cơ quan này đã đề xuất nhiều nội dung liên quan đến chỉnh sửa luật; phân công trách nhiệm giữa các bộ, cũng như giải pháp ngay trong ngành. Tuy nhiên, ngoài vai trò của ngành tài chính, vị lãnh đạo này cũng cho rằng việc có đạt mục tiêu đề ra ở nội dung này hay không còn có trách nhiệm của 13 bộ ngành khác. Ông cũng như dẫn ra nhiều vướng mắc về luật.
thong-quan-nhanh-mot-ngay-doanh-nghiep-tiet-kiem-duoc-ca-ty-usd
Doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều vướng mắc trong quá trình hoạt động. Ảnh: Anh Quân
Chia sẻ ý kiến nêu trên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Nguyễn Đình Cung cho rằng, thực tế chỉ số thông quan hàng qua biên giới liên quan tới nhiều bộ, nhưng phần lớn các cơ quan này chủ yếu thực hiện thủ tục ít ảnh hưởng tới quyền lợi của mình, nên còn lơ là cắt giảm thủ tục mà doanh nghiệp cần.
Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia của CIEM cho biết hiện các khoản phải nộp cho Nhà nước (gồm cả thuế, bảo hiểm xã hội...) hiện chiếm 39,4% lợi nhuận của doanh nghiệp.
Nhận định về con số này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng trong đó chỉ có 15% là thuế. Đây là mức thấp thứ hai trong ASEAN. Tuy vậy, số 24,4% còn lại (bảo hiểm xã hội, y tế...) lại được nhận định có xu hướng tăng lên từ nay đến 2018.
Ông Cung kể, tại một hội nghị tham vấn gần đây có nữ đại biểu đã bật khóc khi đứng lên nói về bất cập liên quan tới vấn đề kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may. Bà nói đây là lần phát biểu cuối cùng, góp ý cuối cùng về vấn đề này bởi kêu mãi, kêu nhiều mà cơ quan quản lý không tiếp thu. Tuy vậy, vị này cũng chỉ ra câu chuyện nêu trên chỉ là một trong vô vàn rào cản mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động.
Theo báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng Thế giới, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, đánh giá năm 2015 đối với Việt Nam đã tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên 90/189 nền kinh tế. So với các nước ASEAN 4, Việt Nam được ghi nhận nhiều cải cách hơn, nhờ đó môi trường kinh doanh tăng điểm và thứ hạng tốt hơn (cải thiện 5/10 lĩnh vực).
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), khoảng cách các chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn "kém xa" so với các nước trong khu vực. Với "thang điểm" hiện nay, để đạt được chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4, giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19/2016 sẽ là một thách thức.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, hiện "cản trở" đang nằm ở các bộ, ngành, địa phương. Nếu lãnh đạo những nơi này không thay đổi thì khó có thể giải quyết được. Với chuyện vướng mắc trong quy định mới về hàm lượng formaldehyt cho sản phẩm dệt may mà doanh nghiệp nêu, Viện trưởng CIEM hy vọng cơ quan quản lý sẽ sớm xử lý dứt điểm.
"Nhiều tỉnh, thành, lãnh đạo địa phương không hề hay biết gì về Nghị quyết 19 dù đã được thực hiện năm thứ 3. Phải kết nối thực chất, hành động thực chất chứ không nên làm theo hình thức để báo cáo tốt", ông Cung nói thẳng và hy vọng có một sự thay đổi để tinh thần của Thủ tướng sẽ "thấm xuống các bộ ngành, địa phương".
Rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong thực hiện nghị quyết tương tự trong 2 năm qua, Viện trưởng CIEM cho rằng Chính phủ lần này đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và truy trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân liên quan. Đơn cử, Bộ Kế hoạch & Đầu tư được giao 8 nhiệm vụ, Bộ Công Thương được giao 10 nhiệm vụ và Bộ Tài chính 6 nhiệm vụ…
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ lần này được giao phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư giám sát, báo cáo với Thủ tướng để có những chỉ đạo kịp thời. "Thủ tướng đã đưa ra cam kết, lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ", ông Cung nhắc lại đầy hào hứng và cho rằng, doanh nghiệp không nên ngồi chờ mà với tinh thần mạnh mẽ hơn, đòi hỏi thay đổi để được phục vụ đúng như tinh thần của Thủ tướng.
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Lê Mạnh Hà chia sẻ thêm rằng luật đã quy định Thủ tướng có quyền đình chỉ, bãi bỏ văn bản trái luật của các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Do đó, thời gian tới, nếu doanh nghiệp, người dân nào thấy những văn bản trái luật, hãy kiến nghị ngay lên người đứng đầu Chính phủ để xem xét, bãi bỏ.
Ngoài ra, ông Lê Mạnh Hà cũng cho rằng việc đặt ra và đạt được các mục tiêu trong Nghị quyết 19 là cần thiết, song không nên thấy những kết quả đạt được ngay mà vội vui mừng. Cụ thể với mục tiêu giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính được đánh giá là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải thực sự giảm được tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ.
"Thà rằng thời gian dài nhưng không có nhũng nhiễu, hối lộ... thì doanh nghiệp chấp nhận được. Chứ rút ngắn thời gian mà doanh nghiệp vẫn còn phải chung chi, hối lộ, vẫn phải gặp hết ông nọ bà kia để được việc... thì coi như chưa đạt yêu cầu", ông nói.
"Đường ngắn mà toàn cạm bẫy thì rất nguy hiểm. Thà rằng đường dài, bằng phẳng, chúng ta đi được tốc độ cao thì quãng đường di chuyển cũng sẽ ngắn lại", vị này so sánh.