Thông tin kinh tế vĩ mô tuần 3 tháng 8
Mấy hôm nữa CPI cả nước tháng 8 sẽ chính thức công bố. Tuy nhiên, thông tin CPI của 2 tỉnh thành Hà Nội và Long An cho thấy lạm phát đã dần hạ nhiệt so với trước đó. CPI Hà Nội tăng 1,06% và Long An tăng 0,68% so với tháng 7.
EIU mới đây dự báo kinh tế Việt Nam năm nay tăng trưởng 6%. S&P cho rằng kinh tế Việt Nam năm nay có thể tăng trưởng 5%. S&P xác nhận xếp hạng tín dụng của Việt Nam ở mức BB- từ mức “BB” hiện nay.
Tiến sĩ Bùi Trường Giang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết theo đánh giá từ phía các chuyên gia kinh tế, khủng hoảng lần này là hoàn toàn có thể, với xác suất trên 50%. Môi trường kinh tế thế giới xấu đi và đương nhiên nó sẽ tác động đến động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Nhân sự cấp cao các tỉnh, thành phố tiếp tục được đề đạt. Ông Đào Ngọc Dung làm Bí thư Đảng bộ Khối cơ quan TW; Ông Trần Cẩm Tú được giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình.
Trong năm nay, cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra tại 870 doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá hoặc khai lỗ trong 3 năm liên tiếp. Cuộc chiến chống gian lận thuế bước đầu có kết quả tích cực khi tính đến 17.8 đã tiến hành xử lý 107 doanh nghiệp và thu hồi số thuế hơn 2.230 tỷ đồng.
Một thông tin đáng chú ý trên số liệu XNK mà Tổng cục Hải quan công bố là Mỹ trở thành nhà nhập khẩu (NK) lớn nhất của VN; đồng thời là thị trường xuất siêu mạnh nhất của nước ta trong 7 tháng qua. Trung bình mỗi tháng VN xuất siêu 1 tỉ USD qua thị trường Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản do hàng tồn kho quá cao, vốn kinh doanh bị tồn đọng khiến hoạt động kinh doanh khó khăn. Hàng loạt hàng hóa do tồn kho quá hạn sử dụng phải tiêu hủy là cảnh báo cho tình trạng này. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số hàng tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến tháng 7 tăng 16% so với cùng thời điểm năm trước.