Thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ: Các “ông lớn” nói gì?

Thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ: Các “ông lớn” nói gì?

Những “ông lớn” có uy tín trong ngành hàng điện tử thậm chí còn có nhiều đóng góp đáng ghi nhận trong việc cùng bắt tay thực hiện việc bảo vệ môi trường.

Có mặt trên thị trường VN hơn 10 năm nay, tập đoàn điện tử Panasonic (Nhật Bản) rất quan tâm đến vấn đề cùng VN bảo vệ môi trường. Tổng Giám đốc Cty TNHH Panasonic - ông Shinichi Wakita cho biết đã theo dõi quá trình thảo luận dự thảo khá lâu và khẳng định nỗ lực hỗ trợ tối đa Chính phủ VN thi hành việc xử lý và tái chế rác thải điện tử nhằm bảo vệ môi trường, điều này thuộc một phần trách nhiệm xã hội lớn của DN.

Tuy vậy, ông Shinichi tỏ ra lo ngại rằng với hàng chục mặt hàng thiết bị điện tử, hóa chất nằm trong danh mục của dự thảo sẽ không loại trừ khả năng dẫn tới việc giảm hứng thú đầu tư vào thị trường VN, bởi các nhà sản xuất sẽ chịu những trách nhiệm nặng nề hơn. Chính vì thế, việc lựa chọn các sản phẩm để đưa vào danh mục và tỉ lệ thu hồi bắt buộc (cao nhất là 75%) đối với sản phẩm cần được lý giải lý do cụ thể bởi ông Shinichi cho rằng tỉ lệ thu hồi bắt buộc ở VN được xem là khá cao so với các nước khác.

“Ngoài ra, có một thực tế là thị trường thu hồi sản phẩm phế thải ở VN rất phức tạp, đó là trở ngại cho nhà sản xuất trong việc thu hồi sản phẩm thải bỏ từ người tiêu dùng. Người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa có ý thức về việc sản phẩm điện tử bị thu hồi, bởi vì khi sản phẩm đó không sử dụng được, họ thường bán cho đồng nát để lấy tiền, chứ họ không quen với việc phải trả tiền để sản phẩm đó được tái chế” – ông Shinichi cho hay.

Tại Nhật Bản và một số nước châu Âu, do hệ thống thu hồi phế thải hiện đại và chặt chẽ, những quy định về tỉ lệ thu hồi bắt buộc nêu trên hầu như không đáng kể. Luật tái chề đồ điện tử gia dụng không đặt ra định mức cụ thể phải thu hồi, thay vào đó nhấn mạnh mục tiêu tái chế đòi hỏi tỉ lệ tái chế cho từng thiết bị nhằm bảo vệ môi trường một cách bền vững.

Cũng theo ông Shinichi, lâu nay quy trình thu tập – tái chế tại VN được thực thi một cách... tự do nên ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng tái chế không thể đạt yêu cầu của việc tái chế. “Hậu quả là việc xuất hiện các hoạt động tái chế không tuân thủ pháp luật hoặc độc quyền tái chế với chi phí tái chế rất cao” – ông Shinichi lo ngại.

Trên thế giới, văn bản luật về quản lý rác thải từ thiết bị điện và điện tử (WEEE) được xây dựng ở Đức và Thụy Sỹ từ giữa những năm 1980. Ngay từ khi ra đời, hệ thống văn bản trên được nhiều nước châu Âu thực thi một cách nghiêm ngặt. Theo cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, việc quản lý rác thải điện tử tại đây phát huy nhiều lợi thế: Không áp đặt phí đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, tối thiểu hóa trách nhiệm của chính phủ đồng thời giảm bớt gánh nặng cho cơ quan quản lý địa phương.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia vào quy trình này tại châu Âu, tập đoàn điện tử HP khẳng định, dịch vụ này hoàn toàn thực hiện được ở VN và tới từng hộ gia đình một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn so với cơ chế tập trung. Tập đoàn điện tử có “máu mặt” này cũng lạc quan cho rằng, cơ chế quản lý rác thải điện tử nói trên cần được VN tham khảo và triển khai thực hiện trên cơ sở quy định rõ ràng nghĩa vụ pháp lý các bên gồm nhà sản xuất, cơ sở xử lý và tái chế, và người tiêu dùng.