Thủ tướng chấp thuận xây sân bay tại Quảng Ninh
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo chỉ đạo của Thủ tướng về việc chấp thuận giao UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh.
Theo đó, Thủ tướng giao UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với liên doanh Tổng Công ty Cảng hàng không Hàn Quốc, Công ty TNHH Joinus Việt Nam và Công ty TNHH Posco E&C tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Các Bộ gồm Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Quốc phòng và các cơ quan liên quan sẽ cùng tham mưu tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo, lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh đã được Bộ Giao thông vận tải thông qua quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đây là dự án có sân bay quốc tế với tiêu chuẩn 4E (giống sân bay Phú Quốc), nằm trên diện tích 285 hécta tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn.
Tổng mức đầu tư dự án đến năm 2030 là hơn 5.100 tỷ đồng, với các hạng mục công trình gồm đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn, đỗ máy bay, đài kiểm soát không lưu, hệ thống dẫn đường, nhà ga hàng hóa, nhà điều hành và các công trình phụ trợ như vườn khí tượng, nhà xe, trạm cứu nguy, cứu hỏa, khu nhiên liệu, khu chế biến thức ăn, hệ thống xử lý rác thải, đường công vụ…
Theo quy hoạch, đến năm 2020, Cảng sẽ xây nhà ga và hệ thống phụ trợ có công suất tiếp nhận 2 triệu khách và đạt mức 5 triệu khách một năm vào năm 2030.
Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh là một trong những dự án trọng điểm nằm trong khu Kinh tế Vân Đồn được tỉnh Quảng Ninh xúc tiến kêu gọi đầu tư. Theo ông Phạm Minh Chính - Bí thư tỉnh Quảng Ninh, việc xây dựng cảng có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, giúp gắn kết với các khu vực khác trong nước và thế giới, tạo điều kiện thu hút khách du lịch, nhà đầu tư đến với tỉnh nhanh chóng, thuận tiện hơn.
7 tháng đầu năm 2014, Quảng Ninh cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án nước ngoài với tổng mức đầu tư gần 270 triệu USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Cấp giấy chứng nhận đầu điều chỉnh tăng vốn cho hai dự án với tổng vốn trên 14 triệu USD.
Theo đề án nâng cao chất lượng khai thác dịch vụ Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đang có kế hoạch tìm kiếm doanh nghiệp để hợp tác với tỉnh theo hình thức công - tư (PPP) nhằm cùng khai thác di sản này. Trước đó, việc quản lý, thu phí được giao cho Ban quản lý Vịnh Hạ Long đảm nhận.
Vốn là địa điểm thăm quan nổi tiếng, Vịnh Hạ Long thu hút được nhiều doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư lớn như Tuần Châu, Bitexco, đại diện Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh cho biết. Các đơn vị này đã có văn bản gửi đến tỉnh đề xuất được nhượng quyền thu phí Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long và cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm tại khu du lịch.
Tuy nhiên, theo phía tỉnh đây mới chỉ là những nghiên cứu ban đầu, doanh nghiệp phải có thêm các buổi làm việc để làm rõ về không gian thu phí, quản lý du lịch, giải pháp với lực lượng lao động đang làm công tác thu phí và quản lý dịch vụ hiện nay.