Thực hiện ngay việc hỗ trợ lãi suất cho vay nhằm kích cầu đầu tư

Trong năm 2009, Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh, nhằm giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, trong điều kiện nền kinh tế bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Các ngân hàng thương mại sẽ cho vay các nhu cầu vốn lưu động để hoạt động sản xuất - kinh doanh theo cơ chế tín dụng thông thường và thực hiện hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Quyết định của Thủ tướng nêu rõ: Không được từ chối hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 8 tháng đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1-2 đến 31-12-2009.

Mức hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay là 4%/năm, tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế nằm trong khoảng thời gian nêu trên. Khi thu lãi vay, các ngân hàng thương mại giảm trừ số tiền lãi phải trả cho khách hàng vay.

Thủ tướng yêu cầu, trong 10 ngày đầu tháng 2-2009, các ngân hàng thương mại gửi giấy đăng ký và kế hoạch hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước và thực hiện ngay việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay.

Các ngân hàng thương mại áp dụng cơ chế và lãi suất cho vay thông thường khi ký kết hợp đồng tín dụng. Đến kỳ hạn thu lãi tiền vay của khách hàng, các ngân hàng thương mại thực hiện việc giảm trừ số tiền lãi bằng 4% năm tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế phát sinh trong năm 2009.

Các ngân hàng thương mại được hoàn trả số tiền lãi giảm trừ này từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Khách hàng vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất gửi giấy đề nghị hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng thương mại nơi vay vốn được hỗ trợ lãi suất.

Thủ tướng cũng quyết định các khoản vay thuộc 13 ngành, lĩnh vực không được hưởng hỗ trợ lãi suất.

Tại cuộc họp ngày 15-1 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã nhất trí thông qua phương án kích cầu đầu tư 17.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng bù lãi suất, với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng với chi phí hợp lý, tạo động lực cho hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động huy động vốn và cung ứng vốn cho nền kinh tế.