Thương mại Việt Nam - Đan Mạch ngắm đích 1 tỷ USD
5 tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu của Đan Mạch sang Việt Nam giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch vẫn đạt tới 538 triệu USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2008.
Một động lực khác của quan hệ thương mại giữa hai nước là sự phát triển của thị trường Việt Nam. Tôi nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ mối quan tâm của các DN Đan Mạch trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, bia, đồ trang sức và cả một số mặt hàng cao cấp khác đối với thị trường Việt Nam và không ít DN đã tính tới kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam.
Tôi cũng được biết đã có hơn 60 doanh nghiệp Đan Mạch đăng ký tháp tùng Nữ hoàng Đan Mạch trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới vào tháng 11. Quy mô của phái đoàn DN này chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Còn mục tiêu 1 tỷ USD đầu tư trực tiếp của Đan Mạch vào Việt Nam thì sao, thưa ông?
Tôi cho rằng, sau những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mục tiêu này trở nên khá tham vọng và khó có thể thực hiện trong ngắn hạn. Không chỉ các DN Đan Mạch mà các nhà đầu tư trên toàn thế giới đều có xu hướng cắt giảm hoặc thận trọng hơn trong việc đầu tư ra nước ngoài.
Mặc dù vậy, phía Đan Mạch vẫn luôn tích cực đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đầu tư giữa hai nước. Hiện nay, Đan Mạch đã và đang thực hiện Chương trình Hợp tác doanh nghiệp B2B cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật liên doanh được thành lập giữa các DN Đan mạch và Việt Nam.
Các DN Đan Mạch sẽ mang đến những bí quyết, công nghệ cũng như các hoạt động đào tạo nâng cao khả năng cạnh tranh cho các DN Việt Nam thông qua các hoạt động đào tạo, giúp DN Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh. Chương trình được triển khai khá thành công và chúng ta đã xây dựng được hơn 100 dự án liên doanh giữa DN hai nước, với số đầu tư cho một dự án có thể lên tới 1 triệu USD.
Trong chuyến thăm Đan Mạch của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này, dự kiến chính phủ hai nước có thể bàn thảo và tiến tới ký kết một hiệp định về đầu tư mới. Theo đó, phía Đan Mạch sẽ cung cấp tín dụng ưu đãi cho các DN Việt Nam với điều kiện các dự án này không có khả năng thực thi nếu không có hỗ trợ tài chính và các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ cho dự án phải là của Đan Mạch.
Năm 2008, Đan Mạch thông qua một khoản tài trợ không hoàn lại trị giá 40 triệu USD cho các chương trình biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong lĩnh vực này. Đan Mạch có kế hoạch dành cho Việt Nam các khoản hỗ trợ tiếp theo trong lĩnh vực này không?
Bên cạnh khoản 40 triệu USD, nhiều khả năng Đan Mạch sẽ đem đến một số chương trình hỗ trợ bổ sung cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nâng cao nhận thức. Chúng tôi mong muốn rằng, tất cả các cấp chính quyến đều có những hiểu biết nhất định về “biến đổi khí hậu”.