Tiền “chết” trong BĐS lớn hơn nhiều con số 112 ngàn tỷ đồng

Tuy nhiên, số liệu về hàng tồn kho, nợ xấu bất động sản hiện nay theo báo cáo chưa phản ánh được tình hình thực tế, còn nhiều dự án tồn kho chưa báo cáo. Số vốn tồn đọng trong bất động sản còn lớn hơn nhiều so với số liệu trong báo cáo.

Bộ Xây dựng vừa có Báo cáo mới nhất về tình hình thị trường BĐS năm 2012 trình Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Theo Bộ Xây dựng, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là nơi mà có nhiều dự án bất động sản lớn, chiếm khoảng gần 50% thị trường bất động sản cả nước, cũng là nơi tình hình thị trường khó khăn nhất.

Tổng hợp chưa đầy đủ từ 50 địa phương về tồn kho cho thấy kết quả như sau:

- Về nhà ở: tồn kho 42.230 căn nhà (gồm 26.444 căn hộ và 15.786 căn nhà thấp tầng);

- Văn phòng cho thuê: tồn kho 92.800 m2 sàn;

- Trung tâm thương mại: tồn kho 98.407 m2 sàn;

- Đất nền nhà ở: tồn kho 7.922.485 m2 (792,2 ha);

- Đất thương mại khác: tồn kho 1.951.033 m2 (195,1 ha);

- Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng.

Riêng ở Tp.HCM: báo cáo từ 121 dự án đã tồn kho 14.816 căn nhà, 58.748 m2 mặt bằng thương mại, 300.071 m2 đất nền, giá trị tồn kho ước tính 30.242 tỷ đồng.

Hà Nội theo báo cáo của 13 chủ đầu tư đã tồn kho 5.875 căn nhà, 5.459 m2 mặt bằng thương mại, văn phòng; giá trị tồn kho 14.070 tỷ đồng.

Về dư nợ tín dụng theo báo cáo của NHNN, tính đến 31/10/2012 dư nợ tín dụng BĐS khoảng 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6 % so với thời điểm 31/12/2011.

Tuy nhiên, con số này lại chưa tính đến vay tiêu dùng nhưng thực chất là đầu tư vào BĐS, có tài sản bảo đảm bằng BĐS chiếm khoảng 46,5% tổng dư nợ tín dụng.

Nợ xấu chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ bất động sản, nhưng đại đa số doanh nghiệp nợ bất động sản khó có khả năng thanh toán khi đến hạn do không bán được sản phẩm.

Theo số liệu từ NHNN, đến cuối năm 2012 tổng nợ xấu vào khoảng 260 ngàn tỷ tương đương khoảng 8% dư nợ tín dụng. Theo nguồn tin của CafeF, chỉ tính riêng giá trị nợ xấu bất có bảo đảm bằng BĐS và tài sản hình thành trong tương lai cũng xấp xỉ 100 ngàn tỷ.

Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều dự án xây dựng dở dang, đã huy động vốn của người dân nhưng phải dừng triển khai do khó khăn đầu ra. Các nhà đầu tư thứ cấp đã mua BĐS nhưng không bán lại được cho người tiêu dùng.

Vì vậy số tiền còn “nằm chết” trong bất động sản còn lớn hơn rất nhiều so với số liệu báo cáo.