Tìm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM cho biết, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành công nghiệp điện tử chiếm tỉ lệ trên 80% giá trị của ngành công nghiệp điện tử, bao gồm các ngành: Công nghiệp sản xuất linh kiện, công nghiệp vật liệu, công nghiệp khuôn mẫu, gia công cơ khí… Trong đó, công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp sản xuất linh kiện chiếm tỉ lệ trên 70% của CNHT.
CNHT ngành điện tử tại Việt Nam ít phát triển nên dẫn đến tỉ lệ nội địa hóa rất thấp, bình quân chỉ 20-30%, còn lại chủ yếu là bao bì đóng gói với các chi tiết nhựa, chi tiết kim loại…
Ngoài ra, hiện nay, với thị trường tiêu thụ trong nước thì các DN Việt Nam chỉ tập trung vào công đoạn lắp ráp linh kiện điện tử, còn toàn bộ mạch tích hợp đều mua từ nước ngoài. Trong khi đó, nguồn nhân lực của các DN chủ yếu là lao động phổ thông, thiếu lao động trình độ cao sản xuất vi mạch bán dẫn.
Liên kết, hợp tác với doanh nghiệp FDI
Từ thực tế nêu trên, theo TS. Dương Minh Tâm, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, mô hình mới cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp điện tử, cũng là “cửa thoát rộng mở” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chính là liên kết sản xuất với các tập đoàn FDI công nghệ cao.
Sự liên kết này là tất yếu, nhưng sự chủ động thúc đẩy CNHT hiện nằm ở phía các tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam. DNNVV nước ta chưa có một sự chuẩn bị cơ bản nào đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn trên, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thực tế cho thấy, các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Intel… đang đóng góp đáng kể vào việc giải quyết thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật có trình độ cao thông qua các chương trình liên kết với trường đại học, cao đẳng và cả các chương trình đào tạo nội bộ.
Bên cạnh đó, các tập đoàn công nghệ cao không thể đi theo con đường thâm dụng lao động để tối đa hóa lợi nhuận khi đầu tư tại các nước có lao động trẻ như Việt Nam. Quá trình cộng sinh tốt nhất là công ty công nghệ cao sẽ từng bước chuyển giao công nghệ cho các DNNVV trong lĩnh vực CNHT nhằm tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Thí dụ, công ty Quân Đạt chuyên về kính nhôm đã được công ty Nhật Bản YKK chuyển giao công nghệ mới nhất để có thể phát triển thị trường cho chính YKK.
Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Tuấn cùng nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, để phát triển CNHT ngành công nghiệp điện tử, TPHCM cần sớm ban hành chính sách cụ thể ưu tiên DNNVV có những sản phẩm ứng dụng vi mạch (do Việt Nam tự chủ trong nghiên cứu thiết kế hoặc sản xuất) tham gia vào các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước như chiếu sáng công cộng, vé xe thông minh, điện lực, viễn thông…
Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu ngành CNHT nhằm giảm thời gian ở tất cả các khâu như tìm kiếm đối tác ban đầu, kiểm tra, đánh mẫu, đặt hàng lần đầu, đặt hàng quy mô lớn…
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng đề xuất hình thành Quỹ phát triển Công nghệ cao của TPHCM với cơ chế thủ tục tiếp cận đơn giản và ưu đãi nhằm tài trợ và cung cấp các điều kiện tài chính cho các DNNVV của Thành phố trong việc triển khai, đào tạo-phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu-sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao, nhất là các sản phẩm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc các sản phẩm được TPHCM xác định là sản phẩm chủ lực của Thành phố.