Tín dụng đen "tấn công" ngân hàng

Tín dụng đen "tấn công" ngân hàng

Lãi suất ngân hàng quá cao, hơn nữa, việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng hiện tại không đơn giản, vì thế hình thức “tín dụng đen” ngày càng phát triển và len lỏi vào cả ngân hàng.

Cán bộ ngân hàng trong đường dây "tín dụng đen"?

Tại một số ngân hàng, lãi suất cho vay còn bị biến tướng dưới hình thức tăng một cách vô tội vạ các loại phí. Có đủ lý do để ngân hàng hợp thức hóa khoản chênh lệch này, nào là phí quản lý, đảm bảo tài sản, nào là phí kiểm tra tài sản, phí quản lý hạn mức... Ngoài mức lãi suất cao ngất ngưởng, khoảng 26%, nhiều cá nhân, doanh nghiệp còn phải “cõng” thêm khoản phí quản lý tài sản đảm bảo là 3%, cộng thêm thuế VAT là 2,75% trong khi trước đó chỉ khoảng trên dưới 1%

Một số cán bộ tín dụng của các ngân hàng lại kiêm luôn vai trò “cò” cho vay nặng lãi. Theo tiết lộ của một cán bộ ngân hàng, nhiều nhân viên tín dụng viện cớ hồ sơ vay vốn không đáp ứng được các tiêu chí của ngân hàng, do đó “môi giới” việc vay vốn nặng lãi.

Nhiều nhân viên ngân hàng còn liên kết với các tổ chức "tín dụng đen" làm hồ sơ vay vốn cho khách hàng nhưng kê khống lên để “vay ké”. Sau đó cho vay "nóng" với lãi suất cắt cổ.

Theo chân anh T, nhân viên một công ty bảo hiểm tới một ngân hàng mang theo các giấy tờ, sổ đỏ mà anh định thế chấp để vay khoản tiền 1 tỷ đồng. Sau khi một hồi trò chuyện và hỏi han về tình hình tài sản thế chấp, công việc của 2 vợ chồng anh T... rồi ghi chép cẩn thận thì 2 nhân viên tín dụng của một ngân hàng trên đường Nguyễn Trãi đã trả lời tài sản thế chấp không đủ để vay số tiền như mong muốn, hơn nữa thu nhập của 2 vợ chồng anh không đủ điều kiện để vay. Thấy anh T tỏ vẻ tha thiết, 1 trong 2 nhân viên "mách nhỏ" cho anh T một người chuyên cho vay "uy tín, lãi suất rất hợp lý, thủ tục nhanh gọn"...

Lãi suất lên đến 45%/tháng

Chị H, có nhu cầu vay khoảng 800 triệu để tiến hành kinh doanh, tuy nhiên, do mảnh đất chị định thế chấp chưa có sổ đỏ nên không thể vay vốn từ các ngân hàng. Theo giới thiệu của một người quen, sau khi họ xem xét giấy tờ và mảnh đất thế chấp trên đường Hồ Tùng Mậu, chị H đã vay được số tiền như yêu cầu với lãi suất 10%/tháng. Hợp đồng vay ghi rõ, lãi suất được điều chỉnh tùy vào tình hình thị trường. Với khoản vay 800 triệu, 1 tháng chị H phải trả 56 triệu đồng tiền lãi.

Liên hệ với một công ty tư vấn trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội chuyên nhận giải chấp, đáo hạn ngân hàng, đại diện công ty này cho biết, hiện với các khoản vay tiêu dùng, các ngân hàng đã dừng giải ngân. Do đó, chỉ có thể vay “nóng” nhưng thời gian vay “thoải mái” thì lãi suất là 9 đến 10%/tháng. Còn nếu vay theo ngày thì cứ 1 triệu đồng chịu lãi 7.000 đồng/ngày, tương đương mức lãi suất khoảng 21%/tháng.

Tìm đến một văn phòng tư vấn khác cũng chuyên về tín dụng đen, khi chúng tôi đưa yêu cầu muốn giải chấp hồ sơ đang vay 250 triệu đồng tại một ngân hàng để vay ở một ngân hàng khác. Nhân viên ở đây cam kết với chúng tôi là sẽ có tiền trong ngày và khoản phí dịch vụ mà chúng tôi phải nộp cho văn phòng này là 10% một hợp đồng vay, đồng thời lãi suất là 0,5%/ngày, tương đương khoảng 15%/tháng.

Theo chị Lan, một “cò” tín dụng chợ đen cho biết có những khoản vay ngắn hạn để đáo hạn ngân hàng, lãi suất rất cao, có thể lên tới 1,2%/ngày, tương đương khoảng 36%/tháng. Tuy nhiên, hiện nay các hồ sơ vay khoản vay lớn thường bị gác lại, các tổ chức tín dụng đen ưu tiên những khoản vay dưới 2 tỷ đồng. “Ưu tiên khoản vay nhỏ vì nếu xảy ra rủi ro sẽ giảm tối đa thiệt hại”, chị Lan cho biết.

Theo quy định của pháp luật thì chỉ cần cho vay lấy lãi cao quá 10 lần so với lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên thực tế, mức lãi vay trên thị trường tín dụng "chợ đen" còn cao hơn rất nhiều lần so với mức được phép, hình thức "tín dụng đen" lại đang trở thành "phao" của nhiều người. Nhưng liệu chiếc "phao" này có "cứu" được khách hàng hay lại đẩy họ vào nguy cơ mất trắng tài sản thế chấp như nhiều vụ việc đã từng xảy ra?