Tính thuế đất ở theo hạn mức đất: Đất vàng sẽ nộp thuế ít!
"Nên thay đổi lại cách tính thuế và thuế suất trong dự án Luật thuế nhà, đất”. Nhiều đại biểu đề xuất như vậy trong hội thảo góp ý dự luật này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 11-8.
Theo hạn mức hay giá trị đất?
“Cách tính thuế theo định mức đất là nên sửa. Cùng một diện tích, kết cấu nhưng nhà ở quận 1 (TP.HCM) có giá trị gấp nhiều lần nhà ở địa phương khác. Do đó không thể thu mức thuế giống nhau”. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, phát biểu. Theo ông Lịch, nên căn cứ theo giá trị nhà, đất vì hiện nay ta bồi thường cũng theo giá thị trường. “Đây là vấn đề công bằng xã hội” - ông khẳng định.
Dự luật lại tách giá trị của đất và nhà riêng để tính thuế từng loại. Đối với đất ở trong hạn mức do Chính phủ quy định, thuế suất bằng 0,03% nhân với giá đất (căn cứ theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định vào ngày 1-1 hằng năm). Giá của một mét vuông nhà được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên đơn giá một mét vuông nhà xây dựng mới của nhà cùng loại.
Ví dụ: Chính phủ quy định tỷ lệ này là 50% thì nếu giá xây một mét vuông nhà mới là bốn triệu đồng, giá để tính thuế sẽ là hai triệu đồng. Theo Bộ Tài chính, với mức trên thì đại đa số nhà ở tại nông thôn và thành thị sẽ không phải nộp thuế.
Nhà có giá tính thuế là một tỷ đồng thì phải nộp số thuế là: 400 triệu đồng x 0,03% = 120.000 đồng/năm.
Phần đất ở vượt hạn mức thì thuế suất tăng lũy tiến (xem bảng). Về nhà ở, phần nhà ở có giá trị tính thuế từ 600 triệu đồng trở lên phải nộp thuế suất là 0,03% (phần dưới 600 triệu đồng được miễn thuế).
Ông Lịch cho rằng giá trị nhà ở phải gắn liền với đất chứ không thể tách rời, vì vậy cần tính chung giá trị của cả nhà và đất. Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trưởng phòng Kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, cũng đồng tình nên tính thuế theo giá trị nhà, đất.
Riêng việc giao Chính phủ quy định cụ thể hạn mức đất để tính thuế, luật sư Phan Thông Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, kiến nghị: “Quy định vậy là sai với Luật Đất đai. Theo Điều 83 và 84 Luật Đất đai, thẩm quyền quy định hạn mức được giao cho UBND cấp tỉnh. Do đó, hạn mức đất nên giao về cho UBND cấp tỉnh quyết định”.
Khó chống đầu cơ
Về thuế suất, các đại biểu có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Ông Trần Du Lịch cho rằng: “Thuế suất phải tính cho hợp lý hơn. Tôi nghĩ phải tính toán sao cho người ở nhà đáng giá năm triệu đôla (khoảng 90 tỷ đồng) thì phải đóng thuế cỡ 10.000 đôla/năm (khoảng 180 triệu đồng), người ta mới suy nghĩ. Mức thuế đóng không bao nhiêu thì đâu có ai ngán”.
Ngược lại, tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy (Đại học Luật TP.HCM) nghĩ khác: “Chỉ nên áp dụng mức thuế suất cho nhà ở trong mức vừa phải 0,02%. Trước nay ta không thu thuế nhà. Nếu đột ngột đưa vào diện thu thuế mà thu cao quá thì ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trong lúc nền kinh tế còn khó khăn”.
Nhiều đại biểu cho rằng mục tiêu của luật thuế chỉ nên dừng lại ở việc đánh thuế người đang nắm giữ nhà, đất chứ không nên tham vọng chống đầu cơ. Luật sư Nguyễn Thị Cam (Công ty TNHH Đất Luật) nhận định: “Mức thuế đó mà chống đầu cơ thì còn lâu!”. Riêng tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng: “Giới đầu cơ họ để người khác đứng tên trên giấy tờ, vậy làm sao mà chống đầu cơ được đây?”.
Tiến sĩ Trần Du Lịch nêu kinh nghiệm chống đầu cơ ở Trung Quốc và Singapore. Ông thông tin ở hai nước này, nếu sau khi được giao đất chừng năm năm mà không thực hiện xong dự án thì sẽ bị đánh thuế bỏ hoang đất. Nhiều đại biểu đề nghị nên đánh thuế thật cao đối với những trường hợp nhà, đất không sử dụng trong vòng một năm để chống đầu cơ.
Xài đất thuê: Có nộp thuế?
Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy còn đặt vấn đề nên thu thuế đối với trường hợp thuê đất công: “Bản chất của thuế nhà, đất là thu đối với hành vi sử dụng nhà và hành vi sử dụng đất. Với đất đi thuê, mặc dù người thuê phải trả tiền thuê đất nhưng tiền thuê đất khác với thuế đất. Họ có sử dụng đất thì họ phải đóng thuế”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Du Lịch nói về nguyên tắc, ai sở hữu nhà, đất thì mới đóng thuế chứ người đi thuê sao lại đóng thuế.
Theo dự kiến, Luật thuế nhà, đất sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2011. Luật sư Phan Thông Anh nói như vậy là quá gấp gáp. “Chắc chắn cơ quan nhà nước làm không kịp. Trước mắt có bao nhiêu việc phải làm. Để triển khai cho được luật thuế này, các cơ quan nhà nước cần quy định cụ thể về các loại cấp, hạng nhà, ban hành đơn giá nhà mới làm căn cứ tính thuế, gắn mã số thuế cho từng đối tượng sử dụng nhà, đất...”. Do đó, ông đề nghị nên lùi ngày có hiệu lực của luật sang năm 2012.