“Tôi không thích là người tiêu dùng Việt Nam!”

Tôi không thích là người tiêu dùng Việt Nam!” – Ông Hank Baker, đại diện Dự án trợ giúp thúc đẩy thương mại, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tài trợ ở Việt Nam, có rất nhiều lý do để khẳng định như vậy. Trong một nền kinh tế thị trường đầy đủ, người tiêu dùng luôn nắm giữ một thứ siêu quyền lực, quyết định mua sắm, hay tẩy chay hàng hóa của họ có thể làm thay đổi vận mệnh của bất cứ doanh nghiệp nào, dẫu cho đó là một nhà hàng, hay một tập đoàn đa quốc gia. Quyền lực của người tiêu dùng được luật hóa ở 8 điều cơ bản.

Đó là: Quyền về an toàn; Quyền được thông tin; Quyền được lựa chọn; Quyền được lắng nghe; Quyền thỏa mãn các nhu cầu cơ bản; Quyền đền bù; Quyền giáo dục; Quyền về môi trường có lợi cho sức khỏe. Đối với người tiêu dùng Việt Nam, dẫu có tới hai cơ quan tồn tại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Ban bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công thương, và Hội tiêu chuẩn - bảo vệ người tiêu dùng), song chính các cơ quan này cũng thừa nhận rằng nhiệm vụ chủ yếu của họ hiện nay vẫn chỉ là… hòa giải.

Quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam bị xâm phạm liên tục ở mọi mức độ, với những bằng chứng rõ ràng, song cho đến nay vẫn chưa hề có việc người tiêu dùng khởi kiện doanh nghiệp. Điều này rõ ràng là bất bình thường đối với một đất nước có nền kinh tế thị trường đã được thừa nhận. Năm ngoái (2008) Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả cuộc tổng điều tra ý kiến người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.

Theo đó, 41% người tiêu dùng Việt Nam không biết mình có quyền lợi gì, số còn lại... có biết cũng chả làm được gì. Dựa vào kết quả này, có người đổ lỗi cho chính người tiêu dùng, bởi sự kém cỏi trong nhận thức pháp luật. Tuy nhiên, xét cho cùng, khi người tiêu dùng nhận thức kém về quyền lợi của mình, lỗi thuộc về chính các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng bởi một trong những nhiệm vụ chính của các cơ quan này là tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Mặt khác, trên 50% đối tượng trong cuộc điều tra này cho rằng “có biết cũng chẳng làm được gì!”. Đó là một thực tế. Các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng dẫu có nhận được thông tin phản ánh việc xâm phạm người tiêu dùng, dẫu có nhiệt tình can thiệp thì cũng không có chức năng để xử phạt, mọi việc chỉ dừng lại ở mức kiến nghị, hòa giải…

Đòi hỏi các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng phải được trang bị chức năng xử phạt doanh nghiệp khi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng là điều không cần thiết. Đó là việc của tòa án, của cơ quan quản lý thị trường. Các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng không thể lấy lý do này để bào chữa cho sự bất lực của mình. Nếu các cơ quan đó vận hành tốt, chỉ riêng việc lắng nghe, tiếp nhận và chứng minh những thông tin của người tiêu dùng về sản phẩm, sau đó minh bạch thông tin đó trên các phương tiện thông tin đại chúng, họ đã thực hiện được quá nửa trong số 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng. Sẽ không có một sự trừng phạt nào, một chế tài nào mạnh bằng chính sự tẩy chay của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp.

Tại Ấn Độ, cuộc biểu tình của người tiêu dùng phản đối hãng Cocacola vì đổ nước thải gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm đã tạo sức ép để Chính phủ nước này buộc hãng nước giải khát danh tiếng đó phải bồi thường hàng triệu USD. Tại Nhật Bản, Công ty hóa chất Chisco cũng phải trả giá vì hành vi tương tự. Năm 1996, hãng Nike nổi tiếng cũng lao đao khi người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa vì sử dụng lao động trẻ em. Phản ứng của người tiêu dùng rõ ràng có sức mạnh hơn bất cứ chế tài nào. Và việc này cần sự tiếp sức của một cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại sao người tiêu dùng Việt Nam không sử dụng được sức mạnh đó của mình? Vụ tai tiếng nước tương đen, vụ sữa tươi được pha chế từ sữa bột… rất lâu sau khi báo chí lên tiếng thì người dân mới được biết tên các cơ sở vi phạm. Nhưng, ngay cả khi thông tin được minh bạch thì người tiêu dùng vẫn không sử dụng quyền lực của mình để lên tiếng tẩy chay những sản phẩm đó. Để thực hiện việc này, cộng đồng trông chờ vào những người được cho là của công chúng. Chưa có chính trị gia nào công khai phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng những quan điểm cá nhân của mình về các sản phẩm có vấn đề. Các ngôi sao giải trí chỉ sẵn sàng dùng hình ảnh của mình để nhận thù lao quảng cáo cho đủ loại sản phẩm, nhưng họ chưa một lần vì công chúng của mình để lên tiếng tẩy chay các doanh nghiệp làm hại cộng đồng. Ý thức công dân là một vấn đề còn phải bàn đến trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Song, riêng đối với câu chuyện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, rõ ràng chúng ta chưa nhìn thấy được một ví dụ về ý thức công dân.

Trở lại với sự bất lực của các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đã đến lúc, thay vì than phiền về hệ thống pháp luật, về nhận thức của cộng đồng, các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần thực sự đứng về phía người tiêu dùng để vận dụng chức năng của mình một cách hiệu quả hơn. Cụ thể, các cơ quan này hoàn toàn có thể gây quỹ để đăng thông tin cảnh báo người tiêu dùng, vận động các nhân vật của công chúng để đưa ra những lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, và cao hơn là thay mặt người tiêu dùng khởi kiện, yêu cầu các doanh nghiệp phải bồi thường khi xâm phạm những quyền được pháp luật quy định đối với người tiêu dùng.