TPHCM: Đẩy mạnh chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp

 
Sở Tài chính TPHCM cho biết, tính đến 6/2, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 33.338 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Đây được xem là dấu hiệu khả quan cho kinh tế TPHCM, nhất là trong bối cảnh Trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách 347.882 tỷ đồng, tăng gần 50.000 tỷ đồng so với năm 2016.
 
Theo Sở Tài chính, thu nội địa là 24.956 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ dầu thô đạt 919 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 7.463 tỷ đồng.
 
 
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TPHCM sẽ có chính sách hỗ trợ và vận động hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TPHCM sẽ có chính sách hỗ trợ và vận động hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá thu ngân sách đầu năm đạt kết quả cao là sự thành công chung của doanh nghiệp và chính quyền thành phố. Tuy nhiên, ông cho rằng kết quả thu nội địa chưa như mong muốn.
 
Ông Tuyến lưu ý Cục thuế TPHCM đẩy mạnh các giải pháp nhằm chống thất thoát thu thuế. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện lên doanh nghiệp. Hiện, TPHCM có gần 250.000 hộ kinh doanh cá thể nhưng chỉ đóng góp 2% cơ cấu thu ngân sách.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, việc nâng hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp không phải chạy theo chỉ tiêu TPHCM có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020 mà nhằm tạo điều kiện, tiếp sức cho hộ kinh doanh cá thể nâng quy mô phát triển.
 
“Nhiều hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện về số lao động, tiềm năng, quy mô nhưng vẫn còn suy nghĩ quen hình thức cá thể nên chưa phát triển đúng với khả năng. Với vai trò của mình, chính quyền thành phố phải kiến tạo, tạo điều kiện hướng dẫn những hộ này phát triển, đồng thời tạo những thương hiệu mới”, ông Tuyến nói và cho rằng việc này giải quyết được bài toán về tăng thu ngân sách, giúp doanh nghiệp phát triển.
 
Song, ông Tuyến cho rằng, con số 500.000 doanh nghiệp không đóng vai trò quyết định mà vấn đề quan trọng là hoạt động kinh doanh của thành phố phát triển đúng quy mô và thế mạnh.
 
Ông Tuyến cho biết thêm, hiện nay hộ kinh doanh cá thể còn ngại chuyển lên doanh nghiệp là do vướng hệ thống sổ sách, kế toán. Việc này TPHCM sẽ có chương trình hỗ trợ miễn phí phần mềm quản lý kế toán, hướng dẫn thủ tục đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội…
 
“Một số quận đã có kế hoạch và chuyển đổi cụ thể, có quận chuyển 10% hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp. TPHCM sẽ tiếp tục giải quyết khó khăn cho quận huyện để giúp sức cụ thể và kiến tạo hơn nữa cho phát triển kinh tế thành phố”, ông Tuyến nói.
 
Bên cạnh đó, ông Tuyến đề nghị Cục thuế TPHCM nghiên cứu thay đổi mô hình thuế khoán đối với hộ cá thể để tránh thất thoát. Riêng 3 chợ đầu mối không để mô hình thuế khoán đối với các hộ kinh doanh như hiện nay nữa. “Tại chợ đầu mối áp dụng thuế khoán là không ổn. Khó cũng phải làm, phải có chính sách và vận động”, ông Tuyến nói.
 
Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp muốn chuyển về TPHCM nhưng ngại công tác kiểm tra của ngành thuế. Việc kiểm tra kéo dài đến 2 tháng lại rơi vào cao điểm hoạt động khiến doanh nghiệp dễ mất niềm tin.
 
“Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển về TP nhưng ngại kiểm tra, Cục thuế phải cải cách như thế nào để thời gian kiểm tra ngắn hơn, khoa học hơn để doanh nghiệp không e ngại, mất niềm tin. Chọn thời điểm kiểm tra cũng phải tính toán. Đừng để thời điểm Tết mà kiểm tra doanh nghiệp 2 tháng. Như thế thì doanh nghiệp không dám về. Đất lành thì chim đậu”, ông Tuyến nói.
 
Đối với Cục Hải quan, ông Tuyến đề nghị sắp xếp lại bộ máy cho khoa học để tránh tình trạng nơi làm việc không kịp còn nơi thì “ngồi chơi xơi nước”, xây dựng bộ máy “sạch” và “khỏe”.