TPHCM: gần 700 cơ sở sản xuất cần di dời
Trong năm 2015, thành phố làm thí điểm đưa 17 cơ sở gây ô nhiễm đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại phường Đông Hưng Thuận, Quận 12 về Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân 3 tại Huyện Bình Chánh.
Các cơ sở này được tập trung vào một khu và KCN sẽ đầu một tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải chung nhằm xử lý cho các cơ sở được di dời.
Trước đó, Sở Công thương đã đưa các cơ sở này đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh nhằm tìm hiểu điều kiện để di dời nhưng đều bị các địa phương này từ chối. Nguyên nhân là vì các cơ sở này gây ô nhiễm lớn, sử dụng công nghệ lạc hậu, khó khăn trong việc đổi mới công nghệ, chủ yếu sản xuất gia công, cũng như không đáp ứng các điều kiện do các KCN ở các địa phương này đưa ra.
Hiện nay, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Công Thương thực hiện khảo sát các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp không phù hợp còn nằm trong khu dân cư để tiến hành di dời.
Theo ông Tôn Quang Trí, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, trong thời gian qua chính việc quy hoạch các khu dân cư chưa chuẩn và chưa ổn định cũng khiến phát sinh thêm các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp không phù hợp nằm trong khu dân cư.
Ông Trí cũng kiến nghị chính quyền thành phố nên mở rộng chương trình kích cầu nhằm giúp doanh nghiệp vay vốn ưu đãi hỗ trợ cho việc di dời.
Địa điểm di dời đến cũng cần phải có các điều kiện phù hợp để cơ sở, doanh nghiệp phát triển được, tránh đưa doanh nghiệp đi quá xa làm phát sinh chi phí lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp, phân phối, do đa số các đơn vị này có quy mô nhỏ và vừa, vốn ít.
Theo Sở Tài nguyên và Môi Trường TPHCM, kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp đang nằm trong khu dân cư sẽ được triển khai trong ba giai đoạn từ năm 2017 trở đi: Giai đoạn một, di dời 177 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; giai đoạn hai di dời tiếp 116 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nhẹ và không phù hợp quy hoạch, và giai đoạn cuối cùng di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch.