TPHCM xây nhà máy xử lý nước thải 1.870 tỷ đồng
Công suất hai giai đoạn của Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát là 250.000 m3/ngày, là một trong 12 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng từ nay cho đến năm 2025 theo Quyết định số 24/QĐ-TTg năm 2010 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM.
Đây là dự án công trình cấp 1, được Bộ Xây dựng thẩm định, tổng mức đầu tư gần 1.870 tỷ đồng.
Khi Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát được xây dựng để xử lý nước thải cho lưu vực có tổng diện tích 2.058 ha bao gồm chủ yếu là các quận Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và quận 12, dân số phục vụ khoảng 700.000 người.
Dự án này sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước trầm trọng của kênh Tham Lương, sông Vàm Thuật cũng như giảm tải lượng ô nhiễm đáng kể cho sông Sài Gòn, hiện theo các số liệu đo được cho thấy chỉ tiêu ô nhiễm đều vượt từ 5 – 20 lần cho tiêu chuẩn cho phép, thậm chí có chỉ tiêu vượt đến hàng trăm lần, ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng vạn người dân ven bờ kênh trục và người dân sống xung quanh các cụm nhà máy trong vùng.
Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), nhà đầu tư là Liên danh công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền, công ty cổ phần Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam và công ty cổ phần chứng khoán quốc tế Hoàng Gia.
Nhà máy sẽ áp dự công nghệ tuần hoàn SBR cải tiến. Đây là công nghệ hiện đại nhất cho các công trình dự án xử lý nước thải cũng như khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường, áp dụng nhiều nhất cho các công trình xử lý nước thải quy mô lớn tại Việt Nam.
Theo báo cáo của UBND TP về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015, hiện TPHCM có trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa công suất 30.000m3/ngày đêm (được đưa vào vận hành từ tháng 12/2005), xử lý nước thải thuộc lưu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm rộng 785ha, nước thải sinh hoạt phát sinh của 120.000 người dân trong khu vực.
Trong khi đó, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với công suất 141.000m3/ngày đêm (mới hoàn thành giai đoạn 1), xử lý nước thải lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, Kênh Đôi – Kênh Tẻ. Tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy hiện hữu là 171.000m3, xử lý được khoảng 13% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn thành phố.
TPHCM đang chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng 12 Nhà máy theo quy hoạch được duyệt để đạt mục tiêu tổng lượng nước thải được xử lý khoảng 3 triệu m3/ngày.