Trở lại đơn khiếu nại của “công viên” phần mềm Thủ Thiêm
Liên tục xin thêm “ưu đãi”
Trong văn bản này, trưởng ban Nguyễn Anh Tuấn cho biết: TA Việt Nam không thanh toán tiền thuê đất, đã hơn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng đến nay chưa triển khai dự án, bổ sung thêm những nội dung kiến nghị không phù hợp với giấy phép chứng nhận đầu tư ban đầu… Cũng theo thông tin từ ban quản lý Đầu tư – xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, chỉ hơn 10 ngày sau khi khởi công công viên (ngày 19.7.2008), TA Việt Nam đã có thư gởi ban đề nghị tăng diện tích đất trong dự án để làm khu dân cư. Tiếp ngay sau đó, ngày 28.8.2008, TA Việt Nam đề nghị giảm tiền thuê đất, cho phép kéo dài thời gian thanh toán tiền thuê đất, miễn giảm thuế khi đi vào hoạt động, tăng diện tích đất xây dựng nhà ở… Ngày 11.6.2009, TA Việt Nam đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư nhưng tổ công tác đề nghị nhà đầu tư này thực hiện đúng theo cam kết khi đăng ký. Tuy nhiên, TA Việt Nam vẫn đề nghị giảm diện tích văn phòng từ 75% còn 59% để tăng diện tích nhà ở tăng từ 10% lên 26%; giảm giá đất thuê từ 1.100 USD/m2 còn 850 USD/m2; khu nhà ở được bán cho những ai được pháp luật cho phép thuê mua nhà ở, khi nhà ở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho phép khu nhà ở được thuê 70 năm cộng với điều khoản mở rộng thời gian cho thuê thêm 70 năm!
Những đề nghị mở rộng quyền lợi của TA Việt Nam đã làm sai lệch mục tiêu ban đầu theo giấy phép là xây dựng tại Thủ Thiêm một công viên phần mềm có số lượng lao động khoảng 70.000 người, doanh số khoảng 6,5 tỉ USD/năm...
Dự báo trước
Những gì mà TA Việt Nam toan tính đã được Sài Gòn Tiếp Thị nói đến trong một bài báo cách đây gần tròn một năm (bài Trung tâm phần mềm Thủ Thiêm: 90% là diện tích văn phòng và thương mại đăng ngày 20.7.2008) đã dự báo có đoạn: “Trung tâm phần mềm Thủ Thiêm cũng là một dự án bất động sản đơn thuần như bao dự án mà SaigonTel đang tham gia. Để thuận tiện trong việc xin giấy phép, họ lựa chọn chiêu bài “tập trung vào những lĩnh vực mà TP.HCM đang hướng đến như công nghệ cao, phần mềm… Đến khi xây dựng xong, cho ai thuê mà chẳng được. Đâu có quy định chế tài nào không cho các đối tượng khác vào trung tâm phần mềm thuê chỗ đâu”…
Sau khi bài báo trên được công bố, Sài Gòn Tiếp Thị đã nhận được nhiều công văn, trong đó có công văn ngày 4.8.2008 của ban quản lý Đầu tư – xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm đề nghị báo đính chính vì cho rằng báo đã viết sai về dự án này. Với quan điểm của báo chí đã có công văn ngày 14.8.2008 kết luận rằng: “Trong bài báo có nêu những mối quan ngại của các chuyên gia về lĩnh vực này có liên quan đến nhân lực cũng như doanh thu… để các ngành liên quan có thêm những định hướng chỉ đạo… Chúng tôi không có cơ sở để thực hiện các yêu cầu của quý cơ quan về việc đính chính thông tin nêu trong bài báo”
Những dự báo đã nêu cách đây tròn năm nay đã trở thành sự thật: TA Việt Nam khó có thể triển khai dự án như giấy phép ban đầu, nếu triển khai được phải mở rộng, điều chỉnh giấy phép. Tất nhiên điều đó khó thể đáp ứng được.