Trung tâm thương mại xây xong để đó!
Không hiệu quả
Đưa vào khai thác sử dụng từ năm 1996, TTTM Mỹ Tho xây dựng hiện đại đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long với quy mô năm tầng, diện tích sử dụng 6.732m2, gồm 1.818 quầy sạp và 127 kiốt, vốn đầu tư gần 70 tỉ đồng, do UBND TP Mỹ Tho liên doanh với công ty TNHH Việt Hoa (Q.5,TP.HCM) theo hình thức B.O.T, thời gian công ty TNHH Việt Hoa khai thác sử dụng là hai mươi năm.
Nhưng hơn mười năm hoạt động, TTTM TP Mỹ Tho trở thành “biểu tượng lãng phí” bởi tiểu thương Mỹ Tho không chấp nhận vào buôn bán trong toà nhà này.
Theo ông Hồ Quang Thanh, phó giám đốc chi nhánh công ty, phụ trách điều hành TTTM, hiện toà nhà này chỉ khai thác một phần diện tích rất nhỏ của tầng hầm, tầng trệt, lầu một và các kiốt xung quanh, với tổng cộng 180 tiểu thương thuê khoảng 400 sạp buôn bán.
Một TTTM xây dựng hoành tráng, hiện đại cũng trong cảnh không người mua bán là TTTM trái cây quốc gia (TCQG), toạ lạc tại xã Hoà Khánh, huyện Cái Bè. Năm 2002, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư xây dựng TTTMTCQG trên diện tích 120.000m2 tại “vương quốc trái cây” Cái Bè.
Đây là TTTMTCQG đầu tiên trong cả nước do tỉnh Tiền Giang liên kết với SATRA (tổng công ty thương mại Sài Gòn) đầu tư xây dựng, vốn đầu tư lên đến gần 100 tỉ đồng, bao gồm chợ bán sỉ – lẻ trái cây lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, kho lạnh, siêu thị trái cây rộng 12.000m2, nhà hàng, khách sạn, bến cảng, ngân hàng, bưu điện…
Từ năm 2006 đến nay, sau nhiều lần khai trương hoạt động, hiện khu TTTMTCQG vẫn trong cảnh vắng… như chùa bà Đanh dù có địa thế hết sức thuận lợi: sát bên quốc lộ 1A và có đường thuỷ thông thương ra sông Tiền.
Gần đây, để cứu sống trung tâm này, chủ đầu tư đã cho công ty cổ phần SXTMDV Trí Hải (huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) thuê 7.000m2 mặt bằng của siêu thị trái cây để mở siêu thị mắm đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi đổ hơn 5 tỉ đồng vào siêu thị mắm, chưa đầy một năm hoạt động, công ty Trí Hải đã rút lui vì buôn bán ngày càng ế ẩm, lỗ lã nặng nề.
Vì sao các TTTM đều “chết”?
Trong lúc TTTM Mỹ Tho đang “chết chìm” thì ở những con đường xung quanh TTTM như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Đại Hành, Trần Thị Phỉ… hoạt động giao thương hết sức nhộn nhịp.
Bà Trần Thị Hoa, kinh doanh hàng bách hoá đã cắt hợp đồng thuê mặt bằng của TTTM hơn ba năm, nói: “Quầy sạp của TTTM thiết kế quá chật chội, diện tích chỉ có 1,75 x 1,75m, muốn buôn bán được mỗi hộ tiểu thương phải thuê hai, ba lô liền kề. Trong khi đó, giá cho thuê quá cao, hơn một triệu đồng/quầy, nên tiểu thương bỏ ra ngoài thuê mặt bằng ở các con đường xung quanh TTTM để buôn bán”.
Theo ông Hồ Quang Thanh, hiện giá cho thuê mặt bằng chỉ còn 300.000 – 500.000đ/lô, nhưng tiểu thương vẫn quay lưng.
Tỉnh Tiền Giang đã tính toán biến TTTMTCQG thành vệ tinh cung ứng trái cây, nông sản cho chợ đầu mối nông sản Bình Điền (TP.HCM), nhưng làm cách nào để thu hút nhà vườn, các chủ vựa, chủ chành trái cây vào kinh doanh mua bán vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Ông Nguyễn Văn Hải, chuyên thu mua, cung ứng trái cây cho thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Bắc, nói: “Các chủ chành, vựa không muốn vào thuê mặt bằng trong TTTMTCQG để mua bán, bởi hàng chục năm nay, họ đã xây dựng một hệ thống kho, vựa quy mô trải dài từ thị trấn Cái Bè đến các xã Hoà Khánh, Mỹ Đức Đông, Mỹ Đức Tây, An Thái Đông, An Thái Trung, An Hữu. Việc xây dựng một TTTM trái cây rồi buộc các chủ chành, chủ vựa, nhà vườn dời vào mua bán nhằm “xoá sổ” những chợ trái cây đầu mối tồn tại từ hàng chục năm nay là duy ý chí”.