Truy thu thuế Unilever Việt Nam: Đã sai còn... xin

Không thể xin là cho
 
GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội nhận định, động thái truy thu thuế của  Unilever Việt Nam do đầu tư mở rộng nhưng không kê khai, tính, nộp thuế riêng đối với phần thu nhập phát sinh của Tổng Cục thuế là hoàn toàn chính xác.
 
Tuy nhiên, ông nói thẳng, Unilever không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất, tình trạng làm sai, khai thiếu, trốn, nợ thuế còn tồn tại phổ biến với nhiều doanh nghiệp FDI khác đang hoạt động tại Việt Nam. Vị chuyên gia khẳng định việc để một doanh nghiệp FDI đăng ký hoạt động một lĩnh vực nhưng lại mở rộng sản xuất, kinh doanh đủ mặt hàng, đủ ngành nghề rồi cuối cùng trốn thuế, chây ì, kê sai trong nhiều năm không bị phát hiện là trách nhiệm của ngành thuế.
 
Theo ông, đây chính là một dạng tương tự của chuyển giá, trốn thuế và hiện tượng trên cần phải được ngăn chặn, xử lý triệt để.
 
Nói rõ hơn, vị chuyên gia cho hay, về phía doanh nghiệp (tức là bên thực thi pháp luật) đã có sự coi thường pháp luật, không tự giác thực hiện trách nhiệm nộp thuế của một doanh nghiệp khi đăng ký hoạt động kinh doanh trên đất nước sở tại. Đây hoàn toàn là lỗi của doanh nghiệp, vì vậy mà cơ quan thuế đã phải yêu cầu truy thu thuế, phạt thuế phát sinh.
 
"Tôi ví dụ Công ty vàng Phước Sơn, Bồng Miêu (Quảng Nam), cơ quan thuế địa phương đã rất tích cực yêu cầu kê biên tài sản, dọa rút giấy phép, đình chỉ hoạt động... nhưng đến tận hôm qua tôi mới thấy báo chí, dư luận đưa tin doanh nghiệp này mới túc  tắc nộp được một phần nhỏ trong tổng số thuế đang nợ. Như vậy ở đây rõ ràng là trách nhiệm của phía doanh nghiệp trong việc tự giác thực hiện trách nhiệm nộp thuế với địa phương", GS Đào nói rõ.
 
Đó là về phía doanh nghiệp, còn về phía cơ quan thuế, vị GS khẳng định có hiện tượng trên phần lớn trách nhiệm thuộc về ngành thuế mà trực tiếp là những người thi hành công vụ đã không làm hết trách nhiệm của mình.
 
"Trách nhiệm của ngành thuế là phải kiểm tra, giám sát, đôn đốc từ đó đưa ra giải pháp xử lý với doanh nghiệp nợ đọng thuế. Từ vụ việc của Quảng Nam ngành thuế phải nhìn nhận thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề thực thi công lý. Nếu ngay từ đầu việc nợ đọng, kê khai, làm sai được phát hiện và xử lý ngay sẽ không có tình trạng một Công ty vàng nợ đọng tới mấy trăm tỷ. Và chắc chắn cũng không có một Unilever kê khai, không chịu nộp thuế mở rộng kinh doanh trong nhiều năm liền mới truy thu", ông nói.
 
Có khuất tất hay không?
 
Diễn biến đáng chú ý khác liên quan tới việc Unilever đã có công văn kiến nghị không tính phạt đối với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp truy thu liên quan đến các hoạt động đầu tư mở rộng của Cty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam và đã được Tổng cục Thuế chấp nhận khiến vị chuyên gia rất bức xúc.
 
"Rõ ràng khi nhìn vào vụ việc dư luận có quyền được đặt câu hỏi có hay không sự biệt đãi đặc biệt với doanh nghiệp FDI?. Unilever hay bất kỳ doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng nếu làm sai phải bị xử lý và phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Unilever mở rộng kinh doanh nhưng không nộp thuế nên bị truy thu và nộp phạt là đúng. Không thể có trường hợp ngoại lệ, làm sai vẫn xin và được cho", GS Đặng Đình Đào bức xúc và tỏ ra khó hiểu trước quyết định của Tổng Cục thuế:
 
"Tôi không hiểu lý lẽ của ngành thuế khi "cho" Unilever được miễn tiền nộp phạt là gì, nhưng tôi e rằng nếu cho được doanh nghiệp này sẽ tạo ra những tiền lệ xấu cho những doanh nghiệp khác, tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng" - vị chuyên gia thẳng thắn.
 
Theo ông, mọi hình thức trốn tránh trách nhiệm với địa phương với nhà nước cần phải được quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm.
 
Trên thực tế, tiền lệ xấu đã từng xảy ra với nhiều doanh nghiệp FDI mà giới chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng phản đối. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội dẫn chứng ngay từ câu chuyện của Formosa Hà Tĩnh. Ông cho biết, bản thân ông cũng như dư luận khá bất ngờ khi Formosa được hoàn thuế nhiều hơn cả số tiền thuế đã nộp mới đây. Cụ thể, số tiền thuế và phí mà Formosa nộp ngân sách đến hết tháng 5-2015 khoảng 13.800 tỉ đồng nhưng số tiền doanh nghiệp này được hoàn thuế đã lên đến 14.600 tỉ đồng.
 
Số tiền này bao gồm 10.601 tỷ đồng do Formosa nhập khẩu đã nộp ngân sách Nhà nước thuế giá trị gia tăng nhập khẩu hàng hoá, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu... Số còn lại là thuế giá trị gia tăng đầu vào trong nước của các nhà thầu.